Khó đoán định thị trường xuất khẩu trong năm 2019

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2019, ngành thủy sản được dự báo có nhiều triển vọng trong thị trường xuất khẩu, nhất là khi một số hiệp định thương mại tự do được ký kết. Vậy nhưng, nhiều chuyên gia cảnh báo, không ít thị trường sẽ khó hanh thông, nhất là thời gian nửa đầu năm.


Chế biến tôm XK (ảnh Lê Hoàng Vũ)

Mỹ

Sau quyết định công nhận tương đương, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đã thuận lợi hơn. Tính đến hết tháng 11/2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 494,3 triệu USD, chiếm 24,2% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, tăng 54,6% so cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù năm 2018, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, vậy nhưng, tương lai của thị trường này trong năm 2019 vẫn khó xác định. Điển hình như với con tôm, mặc dù đang có những dấu hiệu tích cực từ kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) đối với vụ việc chống bán phá giá tôm Việt Nam với mức 4,58% (thấp hơn rất nhiều so mức thuế sơ bộ trước đó), tuy nhiên, con tôm của Việt Nam lại vướng vào một “rào cản” khó khăn hơn, đó là Chương trình Giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Theo nhận định, từ nay đến khi SIMP có hiệu lực là quá ngắn để có thể thay đổi tình hình hiện tại. Do đó, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ có thể sụt giảm trong các tháng đầu năm 2019.

EU

Với thị trường EU, sau nhiều tháng xuất khẩu sụt giảm do hiệu ứng từ “thẻ vàng” của EC với các sản phẩm hải sản của Việt Nam, đến nay cũng có dấu hiệu lạc quan. Tính đến hết tháng 11/2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 217,8 triệu USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, 11 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này đạt trên 1,352 tỷ USD, tăng 0,4%. Trong đó, xuất khẩu sang bốn thị trường lớn nhất là Hà Lan tăng 29,6%; Anh tăng 1%; Đức tăng 7,1% và Italy tăng 56,2%.

Năm 2018, nhiều khả năng EU vẫn là thị trường lớn thứ hai của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, xuất khẩu năm 2019 phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh giá của Liên minh châu Âu. Bởi mặc dù rất khó để lấy “thẻ xanh”, thế nhưng nếu không gỡ được “thẻ vàng” xuống thì xuất khẩu sang thị trường này sẽ khá xấu. Vì dù chỉ cảnh báo với hải sản, nhưng người tiêu dùng tại đây cũng vì thế mà e ngại với các sản phẩm thủy sản khác của Việt Nam.

Nhật Bản

Theo VASEP, trong nhiều năm nay, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 1 về cung cấp tôm cho Nhật Bản, chiếm 25,7% tổng giá trị nhập khẩu tôm của vào nước này, nhờ những lợi thế so các nguồn cung khác tại thị trường này. Nhật Bản đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3, chiếm 17,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 453,3 triệu USD, giảm 11,7% so cùng kỳ năm 2017.

Năm 2019, Nhật Bản vẫn là đích đến quan trọng của xuất khẩu tôm Việt Nam và các sản phẩm hải sản. Vậy nhưng, đây là thị trường luôn đề cao chất lượng sản phẩm, do vậy, để giữ vững thị trường này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Việt Nam không thể lơ là về chất lượng sản phẩm.

Trung Quốc – Hồng Kông

Tính đến hết tháng 11/2018, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam, với kim ngạch trên 1,1 tỷ USD, giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2017; đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của cá tra Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nhận định rằng, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, thuận lợi trong hoạt động giao thương và nhập khẩu đa dạng sản phẩm.

Vậy nhưng, thị trường này ẩn chứa nhiều rủi ro. Cùng với Indonesia, Trung Quốc cũng đang tích cực nuôi thử nghiệm cá tra thịt đỏ tại một số vùng để trước mắt phục vụ thị trường nội địa, thêm nữa, tăng sản lượng xuất khẩu bên cạnh sản phẩm cá rô phi tại Mỹ. Do vậy tương lai của thị trường này dù rộng nhưng vẫn khá bấp bênh, đặc biệt là nước này đang siết chặt quản lý nhập khẩu đường tiểu ngạch, nên xuất khẩu qua Trung Quốc sẽ dần bị khó.

ASEAN

11 tháng đầu năm 2018, thủy sản sang khu vực Đông Nam Á đạt trên 616 triệu USD, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2017. ASEAN cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam, trong đó, Thái Lan, Singapore và Philippines có giá trị tăng lần lượt 48,1%; 25% và 39,3% so 11 tháng đầu năm 2017. Với thuận lợi về địa lý, giao thương, tiềm năng xuất khẩu của thủy sản Việt Nam tại ASEAN rất rộng mở.

Hàn Quốc

Tính đến hết tháng 11/2018, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt hơn 784,6 triệu USD, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2017. Hàn Quốc cũng là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 5 của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu quan trọng của các sản phẩm hải sản nước ta. Thế nhưng, với nhiều quy định nghiêm ngặt về chất lượng, sản phẩm tôm hay thủy hải sản khác sang Hàn Quốc cũng khá nhiều trở ngại. 

>> Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2017. Đây là cơ sở để ngành thủy sản tiếp đà tăng trưởng cho năm 2019, nhất là với hai mặt hàng tôm và cá tra.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!