Khởi nghiệp dưới hồ thủy điện sông Tranh 2

Chưa có đánh giá về bài viết

Gắn bó từ nghề nuôi cá lồng bè dưới hồ thủy điện sông Tranh 2, đến nay ông Trần Văn Mạo (SN 1972, thôn Mâụ Long, xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) đã gầy dựng được một cơ ngơi khá bề thế. Ngoài gầy dựng cơ nghiệp trên lồng hồ thủy điện, ông Mạo còn là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nuôi cá cho nhiều người có cùng đam mê.

Ông Trần Văn Mạo cho cá ăn vào buổi chiều. Ảnh: THANH THẮNG

Ông Mạo quê ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), từ năm 1991 ông đã vào Quảng Nam để lập nghiệp. Khi mới vào huyện Bắc Trà My, không có đất sản xuất nên ông phải làm đủ nghề mưu sinh. Năm 2001 ông Mạo đưa vợ con vào cùng lập nghiệp. Cuộc sống khó khăn, nhưng vợ chồng ông Mạo cùng dìu nhau qua những ngày tháng khó khăn ở “xứ người”.

“Năm 2005, khi thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu xây dựng, tôi đã lên ý tưởng sẽ làm một trại nuôi cá lồng bè trên lòng hồ khi lòng hồ tích nước. Đến cuối năm 2012, tôi đã đầu tư làm 6 lồng bè ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc thôn 1, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) rồi thả nuôi một số cá điêu hồng, trê, rô phi” – ông Mạo nói.

Vốn có niềm đam mê nuôi cá nên ở lứa cá đầu đầu tiên, ông dành nhiều thời gian chăm sóc, kết hợp với điều kiện phù hợp để cá phát triển nên chỉ 4 tháng nuôi ông Mạo thu lãi hơn 30 triệu đồng. Thành công ở lứa cá đầu, ông quyết định vay hơn 100 triệu động để mở rộng thành 20 lồng và thả thêm một số loại cá đặc sản như cá chình, lăng, leo… Tuy nhiên, những năm sau liên tục thua lỗ do cá bị bệnh chết nhiều, một phần tư thương ép giá khiến đầu ra rất thấp.

Hiện nay ông Mạo còn thả nuôi một số cá kích thước lớn. Ảnh: THANH THẮNG

Không ngại khó, ông Mạo đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá. Sau nhiều ngày nghiên cứu,  ứng dụng những điều đã học, ông dần đã tiếp thu được kỹ thuậtt và nuôi thành công nhiều loại cá. Đến nay, ông Mạo đã có cơ ngơi 25 bè cá với hơn 10 loại cá các loại. Nhiều loại cá khó nuôi như chình, lăng, cá hỏa tiễn… cũng được ông lấy giống về nuôi thành công. Trung bình mỗi tháng ông Mạo xuất bán khoảng 1,5 tấn cá. Mỗi năm thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông Mạo còn đầu tư các lồng bè nuôi ếch thương phẩm cung cấp ra thị trường.

“Khi nuôi nhiều loại thủy sản thì có thể thay phiên bán chúng theo yêu cầu của người mua. Tuy nhiên, cái khó nhất là mình không thể xử lý hết các vấn đề đồng loạt xảy ra đối với nhiều loại thủy sản. Bởi vậy, khi nhận thấy có thể nuôi cá chình tôi đã quan tâm đầu tư và lấy loại cá này là con chủ lực” – ông Mạo nói.

Ông Mạo cho hay, để có đầu ra ổn định, những năm gần đây ông không bán cá cho các thương lái thu mua mà trực tiếp tìm mối bán cho các nhà hàng ở Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ. Ngoài ra, để đầu ra liên tục và ổn định, ông còn mở một cửa hàng ở chợ Bắc Trà My để vợ bán cá lẻ, mỗi ngày cũng thu được vài trăm nghìn đồng.

Ngoài nuôi cá lồng bè phát triển kinh tế, trại nuôi cá lồng bè của gia đình ông Mạo còn là mô hình kinh tế cho nhiều địa phương trong và ngoài nước đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Huỳnh Ngọc Thiệu – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, nguồn nước trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 rất phù hợp để nuôi thủy sản. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tham mưu UBND huyện tạo điều kiện để các hộ dân đầu tư nuôi cá lồng bè. Đến nay, đã có 14 hộ nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Riếng đối với mô hình nuôi cá lồng bè của ông Trần Văn Mạo phát triển rất tốt và nuôi đa dạng thủy sản và cho thu nhập cao.

Thanh Thắng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!