T2, 06/07/2020 12:30

Không lo thiếu cá tra để xuất khẩu sang Trung Quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra trong thời gian tới đây, các hợp tác xã và doanh nghiệp cần phải có sự chủ động và tránh lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Thu hoạch cá tra ở HTX Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ. Ảnh: H.X

Thu hoạch cá tra ở HTX Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ. Ảnh: H.X

Trung Quốc là thị trường tiềm năng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu so với thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và Hongkong vẫn thấp hơn 84 triệu đô la Mỹ (kim ngạch xuất sang Mỹ 10 tháng đầu năm 2016 đạt 319,8 triệu đô la Mỹ). Tuy nhiên, VASEP dự báo nhiều khả năng thị trường Trung Quốc và Hongkong sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị thường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017.

Ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng khẳng định: “Sức mua của thị trường Trung Quốc rất mạnh. Trong khi đó, điều kiện mua cũng không quá khắt khe, mua cả cá xẻ bướm, cắt khúc, nguyên con, cá 1,2kg/con… Có thể có khả năng vào năm 2017 tới, Trung Quốc sẽ bằng Mỹ, thậm chí vượt Mỹ trong nhập khẩu cá tra của Việt Nam”.

Về nguyên nhân, ông Dũng cho rằng, người Trung Quốc tin tưởng cá tra Việt Nam do cá tra Việt Nam xuất nhiều vào thị trường Mỹ và EU (nơi đây kiểm soát tốt về an toàn thực phẩm). Xét ở góc độ tiêu thụ sản phẩm, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong thời gian tới là tín hiệu tích cực. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng không nên quá phụ thuộc vào thị trường này. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động, tính chuyện đa dạng hóa thị trường để tránh sự ỷ lại quá mức.

Không lo thiếu nguồn cá tra nguyên liệu

Nông dân thu hoạch cá tra ở HTX Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ.  Ảnh: H.X

Nông dân thu hoạch cá tra ở HTX Thới An, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ.  Ảnh: H.X

Việc gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới sang Trung Quốc được xem là cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ cá tra Việt Nam và cũng phần nào bù đắp cho sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian qua. Thế nhưng, gần đây, nhiều thông tin cho rằng, nguồn nguyên liệu cá tra xuất khẩu có thể thiếu từ nay đến cuối năm, thậm chí sang năm 2017, gây khó khăn cho xuất khẩu.

Về thông tin trên, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cho biết, hiện nước ta có hơn 100 cơ sở sản xuất và xuất khẩu cá tra, trong đó có 20 doanh nghiệp lớn chiếm tỷ trọng khoảng 80% toàn ngành; nắm giữ 70-80% sản lượng nguyên liệu. “Sản lượng trên do họ chủ động nuôi nên tôi cho rằng kế hoạch năm nay không có gì biến động từ nay đến cuối năm” – ông Hòe khẳng định.

Ông Hòe cho biết thêm: “Khoảng 20% thị phần còn lại do một số đơn vị sản xuất ở quy mô nhỏ nắm giữ và phụ thuộc vào lượng nguyên liệu từ người dân. Lượng cá nguyên liệu có thiếu thì cũng chỉ thiếu ở 20% này thôi, chứ 80% kia doanh nghiệp đã chủ động nguyên liệu rồi, không thể thiếu được”.

Nhận định từ các hợp tác xã ở ĐBSCL có nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi cá tra cho thấy, rút kinh nghiệm nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã chủ động kết hợp với hợp tác xã xây dựng vùng nuôi và cũng biết rất rõ sản phẩm bán cho ai, thời điểm nào, nhu cầu ra sao…. Do đó, sẽ rất khó để thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong thời gian tới.

>>Theo VASEP, đến cuối tháng 10.2016, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hongkong đạt 235,5 triệu đô la Mỹ (tăng 76% so với cùng kỳ năm trước). Trong khi đó, trị giá xuất khẩu sang EU lại là 217,7 triệu đô la Mỹ (giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước).

Huỳnh Xây

Dân Việt

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!