Không nuôi TTCT vùng nước ngọt

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước thực trạng một số người dân tại Đồng Tháp đang phát triển ồ ạt diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) trong vùng nước ngọt, phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam vừa trao đổi ý kiến với ông Nguyễn Văn Công (ảnh), Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp.

Điều gì khiến người dân trong vùng phát triển mạnh diện tích nuôi TTCT tại vùng nuôi tôm càng xanh, thưa ông?

Tỉnh Đồng Tháp có vùng chuyên canh nuôi tôm càng xanh mùa lũ, mỗi năm có gần 500 ha nuôi tôm cho sản lượng xuất khẩu khá lớn. Chính vì lẽ đó, nông dân tìm tòi mở rộng nuôi đối tượng khác (ở đây là TTCT), bằng cách cho thuần nước ngọt nuôi lúc tôm còn nhỏ và đã mang lại hiệu quả không ngờ.

So với tôm càng xanh thì TTCT nhiều ưu thế hơn (Vòng quay ngắn, lại không tốn nhiều thức ăn như tôm càng xanh). Theo dự báo, diện tích nuôi TTCT sẽ tăng mạnh vào những tháng tiếp theo, nếu nông dân tiếp tục trúng đậm. Điều hấp dẫn người nuôi chính là hiệu quả kinh tế mang lại cho nông dân quá cao so với nuôi các loài thủy sản khác.

 

Những tác động tiêu cực nào từ TTCT đến sự phát triển của các đối tượng nuôi khác tại địa phương, thưa ông?

Việc nuôi TTCT sẽ gây cạn kiệt nguồn nước ngầm, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến đất trồng lúa. Đặc biệt, khi nuôi TTCT bắt buộc phải sử dụng nước ngầm, phải khoan giếng, xử lý ao nuôi bằng muối… Do đó, nước thải từ ao nuôi tôm ra ngoài sẽ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất lúa và gây nguy hiểm cho các loài thủy sản khác.

Trước tình trạng người dân chuyển đổi phần nhiều diện tích sang nuôi TTCT, ngành nông nghiệp cấm nuôi loại tôm này, vì sẽ mang lại rủi ro cao, nhất là khi gặp giá thấp hoặc phát sinh dịch bệnh khó kiểm soát. Hơn nữa, những vùng mới phát triển nuôi TTCT chủ yếu ở các vùng quy hoạch nuôi tôm càng xanh trước đây, nếu TTCT phát bệnh sẽ ảnh hưởng đến vùng nuôi tôm càng xanh của tỉnh.

Cùng đó, khi vùng nuôi đã phát triển mạnh, bệnh dịch sẽ tăng theo bằng con đường lây từ nguồn giống và mầm bệnh trong đáy ao. Quan trọng hơn, mầm bệnh sẽ thích nghi môi trường nước độ mặn thấp. Các vật chủ trung gian ở nước ngọt như động vật phù du, giáp xác nhỏ sẽ mang mầm bệnh virus đốm trắng và tồn tại trong khu vực. Một lúc nào đó dịch bệnh sẽ xuất hiện, việc lây lan mầm bệnh của TTCT cho tôm càng xanh nuôi thương phẩm là vấn đề cần nghiên cứu, vì khả năng lây cho tôm càng xanh bản địa mầm bệnh mới là rất lớn.

Do đó, Tỉnh cấm nuôi TTCT trong vùng quy hoạch nuôi tôm càng xanh của tỉnh; đồng thời cấm khoan giếng lấy nước ngầm nuôi tôm. Bởi, việc nuôi TTCT ở vùng nước ngọt nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây tai họa sau này.

Hiện nhiều người dân đã chuyển sang nuôi TTCT – Ảnh: Thanh Nhã


Vậy Đồng Tháp đã có giải pháp và khuyến cáo gì với người nuôi tôm, thưa ông?

Hiện nay, Sở NN&PTNT cùng chính quyền địa phương đang xúc tiến các giải pháp xử lý, quản lý vùng sản xuất nông nghiệp, không để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, phá vỡ quy hoạch ở địa phương. UBND tỉnh cũng vừa họp với các sở ngành liên quan và một số địa phương về tình hình nuôi TTCT trong tỉnh. Theo đó, đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền người dân không phát triển nuôi TTCT với các hình thức khác nhau, trong đó có hình thức sử dụng nguồn nước lấy từ giếng khoan nước ngầm và pha thêm muối hột để nuôi.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT: Căn cứ chỉ đạo của Tổng cục Thủy sản tại Công văn 600/TCTS-NTTS 19/3/2014 về việc quản lý đối tượng thủy sản nhập nội, tổ chức khảo sát đánh giá tình hình dịch bệnh, môi trường trong quá trình nuôi TTCT; xây dựng tài liệu tuyên truyền, văn bản hướng dẫn, để phối hợp báo, đài địa phương tuyên truyền, nhắc nhở người dân, không nuôi TTCT để tránh gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp, bảo vệ chất lượng nguồn nước ngọt, nước ngầm nông nghiệp. Đồng thời thông báo, hướng dẫn các ngành, địa phương tăng cường kiểm soát, quản lý diện tích đang thả nuôi, không để phát sinh thêm; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra các giếng đã khoan để nuôi tôm và yêu cầu san lấp theo đúng quy định của pháp luật khi kết thúc vụ nuôi.

Mặt khác, kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II nghiên cứu, khảo nghiệm nuôi TTCT nước ngọt để chuyển giao cho các địa phương nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, mang lại hiệu quả cao.

>> TTCT sống được trong nước có độ mặn thấp (0,5‰), một số nông dân vùng nước ngọt đào ao, khoan giếng lấy nước mặn ngầm để nuôi. Thời gian đầu, do chưa có dịch bệnh nên có thể “trúng”, nhưng chắc chắn sau này dịch bệnh sẽ phát sinh… Vì vậy, về mặt khoa học, không khuyến cáo nuôi TTCT ở vùng nước ngọt.

Bảo Yến (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!