Không tăng diện tích nuôi cá tra vượt kiểm soát

Chưa có đánh giá về bài viết

Đầu tháng 3-2019, giá cá tra giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao là hấp lực cho người nuôi cá. Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào 2 khâu chính là con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tiếp tục cơ cấu lại và đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Giá cá tra đang ở mức cao, Bộ NN&PTNT yêu cầu kiểm soát vùng nuôi tránh tình trạng tăng nuôi vượt kiểm soát.

Giá cá tra có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Cụ thể ngày 10-3, thương lái mua cá của nông dân ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp khoảng 27.000-28.000 đồng, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so tháng rồi. Với mức giá này nông dân vẫn đạt lợi nhuận cao khoảng 6.000-7.000 đồng/kg.

Năm 2018, ngành hàng cá tra đã trưởng thành vượt bậc, đạt kết quả tốt đồng bộ trên mọi phương diện. Diện tích nuôi, sản lượng cá tra ở ĐBSCL đều tăng: diện tích nuôi mới 3.819ha, sản lượng 1,31 triệu tấn. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã thích ứng linh hoạt và phản ứng có kinh nghiệm trước các rào cản, cạnh tranh thương mại. Cụ thể sản lượng tăng 13,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,5%, không xuất hiện dịch bệnh. Trong đó, 80% sản lượng và giá trị đã tham gia chuỗi liên kết; đa dạng hóa hơn 80 sản phẩm giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm của các thị trường khó tính.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ngành hàng cá tra đã đột phá về giá trị xuất khẩu với việc vượt mốc trên 2 tỉ USD trong năm 2018, với sản lượng nguyên liệu đạt trên 1,3 triệu tấn. Trong đó, giá cá tra nguyên liệu đạt ở mức cao trên 35.000 đồng/kg. Xuất khẩu có tín hiệu khả quan, với thị trường Trung Quốc tăng cao, kèm theo thị trường Mỹ với thuế chống bán phá giá thấp hơn, cá tra Việt Nam được công nhận đủ điều kiện xuất sang thị trường Mỹ.

Lĩnh vực thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng phát triển thị trường nội địa bước đầu được Chính phủ, ngành có liên quan tác động tích cực đến ngành hàng cá tra.

Các chuyên gia cho rằng, người nuôi và doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Cụ thể, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng: Việc gia tăng sản lượng nguyên liệu trong thời gian tới, bên cạnh phải đảm bảo về chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý, cũng cần quan tâm đến vấn đề môi trường trong sản xuất. Hiệp hội đang thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống như quy trình ương, sử dụng chế phẩm sinh học, vắc-xin để tăng sức đề kháng cho cá giống.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019 nguy cơ bùng phát dịch bệnh khá cao, trong khi chất lượng con giống vẫn chưa được cải thiện rõ nét, vẫn còn một số cơ sở nhỏ lẻ chưa tham gia vào chuỗi liên kết. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu: “Các địa phương vùng ĐBSCL cần đánh giá thực trạng liên kết chuỗi ở địa phương. Từ đó có giải pháp vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi, kiểm soát tốt quy hoạch, không để xảy ra tình trạng tăng diện tích ương nuôi vượt kiểm soát. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro mất cân bằng trong cung cầu”.

Bài, ảnh: Cao Phong

Theo Báo Hậu Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!