Khuyến ngư – Bệ đỡ cho phát triển thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Khuyến ngư đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của ngành thủy sản. Cùng với việc thúc đẩy nâng cao năng suất thủy sản nuôi, công tác khuyến ngư hiện nay còn tập trung thúc đẩy việc đa dạng hóa loài nuôi và hướng đến nhu cầu thị trường.

Hiệu quả cao

Công tác khuyến ngư của các tỉnh đã và đang bám sát diễn biến thị trường, tạo ra nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Chẳng hạn, tỉnh Tiền Giang trong một năm đã xây dựng 11 điểm trình diễn thuyết phục. Mô hình nuôi tôm sú của khuyến ngư cho lợi nhuận 400 triệu đồng/ha. Đặc biệt mô hình ở đây nuôi ghép tôm sú và tôm thẻ chân trắng, trong đó tôm thẻ không phải cho ăn mà chúng chỉ ăn thức ăn thừa do tôm sú để lại, vừa tiết kiệm thức ăn vừa bảo vệ tốt môi trường. Mô hình nuôi cá rô đồng kết hợp trồng lúa cho năng suất 3,9 tấn/ha, lợi nhuận 40 triệu đồng/ha.

Các tỉnh ĐBSCL đang triển khai khuyến ngư theo các hướng trọng tâm, như ở Bạc Liêu đang đẩy mạnh nuôi tôm quảng canh cải tiến, kết hợp khoa học kỹ thuật, tăng năng suất. Khuyến ngư Cà Mau cũng tăng cường tìm hiểu, giới thiệu mô hình nuôi tôm công nghiệp. Khuyến ngư các tỉnh miền Trung như Thừa Thiên – Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, cũng có nhiều mô hình và kỹ sư để phát triển các vùng chuyên canh tôm và chuyển dần sang nuôi tôm công nghiệp liên kết với các nhà máy.

Nhiều mô hình khuyến ngư cho hiệu quả cao song khó nhân rộng – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Giải bài toán kinh phí…

Nhiều cán bộ chuyên môn cho biết, kinh phí dành cho khuyến ngư đang là vấn đề khá nan giải. Đầu tư cho khuyến ngư đòi hỏi kinh phí lớn hơn các lĩnh vực khác trong nông nghiệp. Để các mô hình trở nên thuyết phục với người nuôi thì việc khuyến ngư phải trải rộng trên nhiều giai đoạn, từ con giống, kỹ thuật nuôi trồng, nhân công, quy trình, xuất khẩu, mùa vụ…; đòi hỏi công tác khuyến ngư phải bám sát ruộng đồng.

Theo dự tính, kinh phí dành cho ngành khuyến nông cả nước năm 2015 là 300 tỷ đồng. Việt Nam đã cam kết với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) sẽ tăng ngân sách cho khuyến nông 12%/năm, nhưng con số 300 tỷ đồng chia cho cả nông, lâm và thủy sản là rất khiêm tốn. Đơn cử, ngành khuyến ngư Khánh Hòa dự kiến năm nay kinh phí dành cho khuyến ngư là 1 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến nông dành khá nhiều cho thâm canh lúa, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; ngân sách dành cho khuyến ngư chủ yếu tập trung vào nuôi cá nước ngọt và chế biến thủy sản. Theo ngành khuyến nông Thanh Hóa thì khuyến ngư chưa phát huy nhiều tác dụng, do các mô hình trình diễn còn ít. Ngoài ra, số lượng nông dân tham gia tập huấn còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Đây cũng là tình trạng chung.

 

… và nhân lực

Có mặt tại nhiều vùng nuôi tôm, chúng tôi thường gặp các kỹ sư của các công ty giống, thức ăn nhiều hơn là các kỹ sư khuyến ngư của địa phương. Các công ty này thường có đội ngũ khoảng 30 kỹ sư là những tri thức trẻ, tài năng được đào tạo cơ bản. Họ bám địa bàn một vài tỉnh nhiều tháng ròng rã, ăn ở cùng người nông dân. Ngoài chế độ đãi ngộ và được làm công việc mình yêu thích, gần đây một số công ty còn thực hiện chế độ thưởng khá cao trên doanh số và lợi nhuận khiến cho lĩnh vực nhân sự khuyến nông trở nên rất “hot”. Giám đốc một công ty giống nói với chúng tôi: “Đa số người nuôi tôm băn khoăn không dám đầu tư, do không nắm vững khoa học kỹ thuật. Khi các công ty cử nhân viên kỹ thuật theo sát ruộng đồng thì họ mới yên tâm đầu tư lớn”.

Khuyến ngư của các huyện, tỉnh lại gặp khó khăn thiếu kỹ sư giỏi, thiếu ngân sách để kỹ sư có thể bám thực tế. Lương cán bộ khuyến ngư của nhà nước trả theo ngạch bậc chứ không phải dựa trên hiệu quả người cán bộ đó đóng góp. Trong khi một vài công ty sẵn sàng “ăn chia” lợi nhuận với kỹ sư và thu nhập của kỹ sư có thể đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/năm.

Đội ngũ kỹ sư khuyến nông của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp không ít, song thực tế họ chỉ phục vụ khách hàng của mình, những người mua giống, mua thức ăn của họ, thường là những khách hàng lớn, doanh số cao. Trong khi đó, đa số người dân, nhất là người nuôi tôm, nuôi cá vốn ít lại chịu nhiều mua thua lỗ, treo ao, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống…, chủ yếu vẫn trông chờ lực lượng khuyến nông của nhà nước. Bởi vậy, việc phát triển lực lượng khuyến nông của các tỉnh thành, địa phương vẫn rất cần thiết.

>> Công tác khuyến ngư cần bám sát ruộng đồng nhiều nữa mới đạt hiệu quả, ngoài việc xây dựng mô hình trình diễn hay làm dự án, hội thảo. Kinh nghiệm cho thấy, nơi nào nhiều kỹ sư hỗ trợ thì nơi đó nông dân giảm được nhiều thiệt hại.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!