Khuyến ngư: Thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

2016 là năm đầy biến động với lĩnh vực thủy sản (biến đổi khí hậu, dịch bệnh…), song ngành vẫn vượt mục tiêu đề ra (dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 7 tỷ USD). Kết quả này là sự cố gắng của toàn ngành, trong đó, một phần đóng góp không nhỏ của các dự án khuyến ngư.

Nuôi tôm VietGAP đạt hiệu quả cao được nhiều địa phương nhân rộng   Ảnh: Vũ Mưa

Nuôi tôm VietGAP đạt hiệu quả cao được nhiều địa phương nhân rộng Ảnh: Vũ Mưa

1. Nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP

Năm 2016, dự án đã được xây dựng 9 mô hình tại 9 tỉnh gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, Long An, Tiền Giang và Kiên Giang, quy mô 18 ha. Các hộ tham gia mô hình lãi 600 – 850 triệu đồng/ha ao nuôi tôm áp dụng VietGAP với năng suất thu hoạch trung bình 11 – 12 tấn/ha (không mô hình nào bị dịch bệnh). So với mô hình nuôi tôm khác, áp dụng VietGAP tiết kiệm chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn; tỷ lệ sống cao; lợi nhuận tăng trung bình 30%. Qua đánh giá tại các cuộc hội thảo, mô hình nuôi tôm theo VietGAP được đông đảo người dân quan tâm, do mô hình hạn chế được dịch bệnh, không tác động đến môi trường và sản phẩm sản xuất ra đảm bảo an toàn thực phẩm, được doanh nghiệp lựa chọn mua trước.

2. Liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm

Căn cứ kế hoạch giao dự án đạt 100% kế hoạch đề ra, 100% mô hình được đánh giá cấp chứng nhận nuôi cá rô phi theo VietGAP với 5 mô hình, tại 5 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng diện tích 15 ha, sản lượng đạt 243 tấn. Sản phẩm rô phi đạt chứng nhận VietGAP được các doanh nghiệp tiêu thụ 100%. Mô hình đã nâng cao hiệu quả hơn 20% so với ngoài mô hình, góp phần cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Với những kết quả đạt được, dự án đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thông tin trên nhiều phương tiện báo đài, lợi ích mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP đã được đông đảo người dân học tập làm theo. Diện tích áp dụng VietGAP tăng từ 15 ha lên 100 ha. Điểm mới của mô hình là gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả rất tích cực.

3. Hỗ trợ xây dựng nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP

Với kết quả đạt được năm 2015, năm 2016 dự án tổ chức 9 cuộc hội thảo tổng kết, thu hút 275 lượt người tham dự; tổ chức 3 lớp tập huấn với 103 học viên; tổ chức 1 hội thảo tổng kết đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình nuôi cá tra thâm canh theo VietGAP tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với 64 đại biểu tham dự. Kết thúc dự án trong năm 2016, diện tích nuôi cá tra thương phẩm được chứng nhận VietGAP tại 7 tỉnh dự án là trên 400 ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2014. Mô hình tạo cho người nuôi thủy sản nhận thức được vai trò VietGAP đối với nghề nuôi cá tra thương phẩm tại Việt Nam.

4. Phát triển mô hình sản xuất ngao giống 

Theo kế hoạch được phê duyệt, năm 2016 dự án đạt 100% kế hoạch đề ra. Tỷ lệ sống từ ngao giống cấp I lên cấp II đạt > 50%; tổng lượng con giống của 6 mô hình đạt 844,3 triệu con ngao giống cấp II (yêu cầu của dự án đạt 750 triệu con). Tỷ lệ sống ngao giống cấp I lên cấp II của các hộ ngoài mô hình chỉ đạt tối đa 35%. 2016 cũng là năm kết thúc dự án, theo đánh giá sau 3 năm triển khai dự án khả năng nhân rộng mô hình như sau: tại Hải Phòng đã nhân rộng được 10 hộ với diện tích 5 ha; Thái Bình nhân rộng 15 ha; Thanh Hóa được 143 ha. Ngao giống được nuôi trên diện tích nuôi tôm sú, tôm chân trắng không hiệu quả. Đặc biệt, dự án xây dựng mô hình ương ngao giống đã góp phần tăng tỷ lệ sống của ngao thịt và làm giảm giá thành con giống. Kết quả cho thấy, nếu tỷ lệ sống cao và giá thành con giống giảm thì người nuôi ngao thịt có giá thành sản xuất rất cạnh tranh (khoảng 5.000 đồng/kg, người nuôi chỉ cần bán 8.000 đồng/kg đã có lãi lớn).

5. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên tàu khai thác xa bờ

Dự án đã đem lại lợi nhuận cao, chủ tàu có lợi và thuyền viên cũng có thu nhập cao, nhiều tàu sau khi lắp máy dò ngang SORNA năng suất tăng lên trên 200%, hiệu quả tăng cao hơn do tiết kiệm thời gian đi tìm đàn cá và rút ngắn thời gian đi biển. Các tàu khai thác xa bờ khi áp dụng đóng hầm bảo quản bằng vật liệu PU cũng đã giảm tổn thất sau thu hoạch từ 25 – 30% xuống còn 15%. Đặc biệt, cá được bảo quản bằng hầm mới đảm bảo chất lượng, giá bán cao hơn hầm cũ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Hầm bảo quản mới có tuổi thọ cao hơn 4 – 5 lần hầm bảo quản truyền thống. Hiện nay, đang được các chủ tàu áp dụng rất nhiều.

>>Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2017, các mô hình khuyến ngư tiếp tục tập trung vào các mô hình an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và gắn với tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra bền vững. Mục tiêu là tăng thu nhập cho nông dân, kết hợp với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai xây dựng mô hình, Trung tâm sẽ tiến hành đồng bộ với đào tạo tập huấn chuyển giao và thông tin tuyên truyền để một người làm hàng ngàn người biết học tập và làm theo.

TS Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!