Khuyến nông với bí quyết “cầm tay chỉ việc”

Chưa có đánh giá về bài viết

Cách làm này được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia áp dụng trong buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp phòng, trị bệnh cá nước ngọt” tại Thái Nguyên vừa qua (ảnh). Tọa đàm được đánh giá cao về hiệu quả tác động, sự hài lòng người dân, nhà quản lý, doanh nghiệp.


Gắn kết với nông dân

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nhiều địa phương trong cả nước có thế mạnh về sản xuất thủy sản đã lựa chọn lọc những giống cá chất lượng như cá trôi, trắm, chép, rô phi đơn tính… thích hợp với nuôi ở các tỉnh miền núi phía Bắc và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên trong quá trình nuôi trồng, nhiều nhân tố thúc đẩy như không gian, con giống, thời tiết… khiến cho cá mắc một số bệnh ảnh hưởng đến năng suất nuôi. Trên cơ sở đó, chương trình tọa đàm được tổ chức nhằm giúp người dân chủ động phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống hiệu quả, tránh gây thiệt hại về kinh tế. Vì thế, 80% người tham dự tọa đàm là nông dân và các doanh nghiệp, HTX chăn nuôi cá nước ngọt.

Cũng để kết nối với nông dân áp dụng vào thực tiễn, nên buổi tọa đàm lần này Trung tâm Khuyến nông Quốc gia không tổ chức chương trình tọa đàm khuôn thước với văn bản đã được chuẩn bị sẵn, mà thực hiện bằng hình thức thực tế. Theo đó, cán bộ và nông dân trực tiếp thị sát kỹ thuật chuẩn bị, thiết kế ao nuôi của xí nghiệp thủy sản Núi Cốc, thắc mắc được hỏi đáp tại thực địa. Sau đó, ban cố vấn tiếp tục tọa đàm để trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dân về cách phòng trừ bệnh cá nước ngọt. Không những vậy, tại đây, ban tổ chức còn chuẩn bị sẵn một số mẫu bệnh trên các loại cá để mọi người cùng nhau tìm hiểu kỹ thuật. Nhờ đó, không chỉ được quan sát thực tế, người nuôi cá còn giải đáp thắc mắc tại hiện trường.

Các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá nước ngọt hiệu quả như: Quy trình cải tạo ao nuôi trước khi thả cá; kỹ thuật chọn và thả cá giống; cách ghép cá trước khi nuôi thả; mật độ thả, cách chăm sóc, quản lý và phòng, trị bệnh cho cá; các loại bệnh thường gặp trên cá nước ngọt và cách điều trị; cách lưu mẫu bệnh phẩm để gửi đến các cơ quan chức năng chẩn đoán bệnh để chữa trị kịp thời cho cá; các loại thuốc và hóa chất thường dùng trong nuôi trồng thủy sản; các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản.

Hiệu quả ngoài mong đợi

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đánh giá cao hình thức trao đổi mà thăm quan mô hình trực tiếp này. Ông Hoàng Tiến Lực, hộ chăn nuôi đến từ Bắc Kạn cho biết, có nhiều kỹ thuật đơn giản nhưng trước nay người chăn nuôi làm theo kinh nghiệm nên cá thả còn mắc nhiều loại bệnh, hiệu quả phòng trị chưa cao. Nhờ có buổi tham quan, tọa đàm này mà người dân chúng tôi biết được kỹ thuật áp dụng. Bà Bùi Thị Hiền ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, tọa đàm đã giúp bà giải tỏa được băn khoăn bấy lâu về việc làm thế nào để phòng trị một số bệnh thông thường mà trước đây bà còn chưa biết cách gọi tên của bệnh dịch đó. Mong muốn của người nông dân là các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện được nhiều hơn nữa những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật theo hình thức trực quan sinh động như vậy.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình cho biết, việc đưa ra các giải pháp phòng trị bệnh cho các giống vật nuôi thủy sản cũng rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng và sản lượng của sản phẩm thủy sản, giúp mang lại hiệu quả tối đa cho người nông dân.

Ông Dương Sơn Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên chia sẻ, Thái Nguyên có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản. Trong đó, nuôi cá trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể, tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mặt nước hiện có. Việc đầu tư khoa học kỹ thuật, đầu tư tài chính cho nuôi thủy sản còn hạn chế, cơ sở chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển thủy sản chưa nhiều, do vậy chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất thủy sản. Tọa đàm đã giải thích được nhiều thắc mắc của người nông dân, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào thả cá nước ngọt.

Ông Kim Văn Tiêu cho rằng, buổi tọa đàm thành công ngoài mong đợi. Điều quan trọng hơn là “trăm nghe không bằng một thấy”, người dân được trực tiếp tham gia và được giải đáp những thắc mắc để áp dụng những kỹ thuật này vào nuôi trồng thủy sản tại mô hình, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi. 

>> Ông Luân Song Hàm, HTX Nuôi trồng Thủy sản hồ Bảo Linh (xã Bảo Linh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên): “Tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật, nhiều hội thảo, hội nghị về cá nước ngọt nhưng cách tổ chức tọa đàm lần này thực sự giúp ích cho người dân chúng tôi khi các thắc mắc được giải đáp nhanh, đúng về kỹ thuật một cách sinh động, hiệu quả”.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!