Khuyến nông vững tin chặng đường mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2017, ngành nông nghiệp nói chung trong đó có thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (thời tiết bất thường, dịch bệnh…); nhưng bằng những hoạt động thiết thực, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương và nông dân đẩy mạnh sản xuất đem lại hiệu quả cao.

Hiệu quả mô hình nuôi cá lồng được nhiều địa phương nhân rộng   Ảnh: CTV

Hiệu quả mô hình nuôi cá lồng được nhiều địa phương nhân rộng Ảnh: CTV

Đa dạng hoạt động

Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và hệ thống khuyến nông cả nước cố gắng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm qua, Trung tâm đã tổ chức 39 sự kiện, trong đó có 32 diễn đàn, 1 hội thi và 6 hội chợ. Đồng thời, tổ chức đào tạo cán bộ khuyến nông, giảng viên quốc gia về phương pháp, kỹ năng khuyến nông đối tượng tập trung cho đội ngũ cán bộ khuyến nông trẻ (dưới 5 năm kinh nghiệm), tập huấn cho cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện, khuyến nông viên cơ sở; xây dựng học liệu, tổ chức tham quan, học tập trong nước; xây dựng các mô hình trình diễn điểm tại các địa phương; phối hợp thông tin tuyên truyền…

Nhiều mô hình hiệu quả

Nhờ những hoạt động tích cực, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều mô hình trình diễn, dự án cho hiệu quả cao, đã và đang được ngư dân địa phương nhân rộng. Trong đó phải kể đến, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2017 đã vượt chỉ tiêu kế hoạch như tỷ lệ sống 74,9%/70%; năng suất 16,7 tấn/ha, tăng 19,2% so yêu cầu; kích cỡ thu hoạch trung bình 750 g/con, vượt 15,3%. Do đó lợi nhuận tăng cao trên 90 triệu đồng/ha/vụ (trừ các điểm bị thiệt hai do bão và lũ lụt gây ra).

Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá điêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh miền núi Bắc Bộ triển khai giai đoạn 2017 – 2019. Kết quả, Dự án xây dựng thành công 7 mô hình tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có 2 mô hình cá tầm, 3 mô hình cá điêu hồng và 2 mô hình cá lăng. Tại các mô hình, cá đều sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống của cá tầm, cá điêu hồng, cá lăng tương ứng là 72%, 80% và trên 80%. Riêng tại tỉnh Lai Châu do ảnh hưởng của cơn bão số 9, 10 trong tháng 10 đã gây thiệt hại lớn tỷ lệ sống chỉ đạt được 24,3%. Trọng lượng bình quân cá khoảng 1 – 1,2 kg/con, cá điêu hồng khoảng 500 – 600 g/con. Năng suất đến thời điểm nghiệm thu đạt trên 10 kg/m3. Hay như mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi, sản lượng thu được 58 tấn tôm càng xanh và 260 tấn lúa. Hiệu quả kinh tế đạt trung bình 160 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn lại 72,5 triệu đồng/ha…

Dự án xây dựng mô hình sơ chế kết hợp sử dụng hầm ngâm hạ nhiệt nhanh và bảo quản trên các tàu khai thác hải sản xa bờ; giúp ngư dân có công nghệ bảo quản mới nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chi phí chuyển biển nâng cao hiệu quả sản xuất do tăng thời gian khai thác, giảm chi phí nhiên liệu, giá bán sản phẩm tăng lên…

Đổi mới khuyến nông 2018

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông nhận định, sản xuất nông nghiệp vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức; do đó, hoạt động khuyến nông sẽ có những thay đổi vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cần vượt qua.

Chính vì vậy, năm 2018, hoạt động khuyến nông sẽ có một số đổi mới mạnh mẽ như: Tăng và nâng cao chất lượng chương trình “Sổ tay nhà nông” trên VTV1, Chương trình “Chào buổi sáng bông lúa”; Diễn đàn tổ chức gọn nhẹ, tận cơ sở, tăng cường trao đổi tại hiện trường; Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng tập trung cho loại hình nông dân dễ tiếp cận…

Hoạt động thông tin tuyên truyền năm 2018 tiếp tục bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển cây, con chủ lực, tận dụng lợi thế vùng miền, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy sản xuất vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phổ biến kiến thức kỹ thuật, kinh tế xã hội, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, xây dựng nông thôn mới và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức các sự kiện khuyến nông như: Hội thi, Hội chợ, Diễn đàn…

>> Năm 2017, trong lĩnh vực thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện các dự án như: Mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi; Nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm; Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!