T2, 06/07/2020 01:04

Kiên Giang: Khai thác thủy sản bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Là lĩnh vực quan trọng trong hoạt động sản xuất, nên thời gian qua tỉnh Kiên Giang luôn coi trọng việc đầu tư cho khai thác thủy sản, nhất là đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn, nhằm tăng khả năng khai thác xa bờ, hướng tới sự phát triển bền vững.

Ngư dân Kiên Giang chuẩn bị ngư cụ cho chuyến khai thác biển xa   Ảnh: Huy Hùng

Ngư dân Kiên Giang chuẩn bị ngư cụ cho chuyến khai thác biển xa Ảnh: Huy Hùng

Với ngư trường hơn 63.000 km², đội tàu khai thác trên 10.000 chiếc, nhiều năm liền Kiên Giang luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng khai thác thủy sản, năm 2017 đạt 548.000 tấn, chiếm gần 20% tổng sản lượng cả nước. Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, hầu hết tàu cá công suất lớn trên địa bàn tỉnh đã được trang bị đầy đủ những thiết bị an toàn hàng hải theo quy định. Như: máy thông tin vô tuyến tầm xa, máy định vị, tầm ngư, tời cơ khí và tời thủy lực thu thả ngư lưới cụ, thu hoạch sản phẩm phục vụ khai thác đánh bắt trên ngư trường.

Cùng với việc tuyên truyền cho ngư dân về chú trọng đầu tư, bảo vệ nguồn lợi thủy sản khai thác, vừa qua, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã tổ chức hội nghị liên quan tới thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác trong thời gian EC rút “thẻ vàng”.

Song song với khai thác trên ngư trường, tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, kịp thời phát hiện các vi phạm có tính chất nghiêm trọng, sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản. Tính đến tháng 10/2017, đã có 1.000 lượt tàu cá được kiểm tra, ngành chức năng xử phạt trên 850 vụ vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hơn 17 tỷ đồng. Đồng thời, xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam; quy hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống 22 cảng cá, bến cá và 11 khu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn; quy hoạch và tăng cường năng lực hoạt động các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản, nhất là khu bảo tồn biển Phú Quốc nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học. Tỉnh cũng cơ cấu lại ngành nghề khai thác gồm: lưới kéo, lưới vây, câu và những nghề khác gắn với phân vùng khai thác đánh bắt trên ngư trường. Tổ chức hàng trăm tổ, đội sản xuất trên biển liên kết hỗ trợ nhau về thông tin ngư trường, dịch vụ tiêu thụ, trao đổi sản phẩm khai thác, vật tư, thiết bị, nhiên liệu, khôi phục sản xuất khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển…

Theo kiến nghị của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, các địa phương cũng cần ban hành các quy định dựa trên quy hoạch khai thác, tăng cường thanh tra, kiểm tra và công tác quản lý địa phương có Hội Nghề cá, hộ kinh doanh nghề cá; phải có cơ chế chính sách hỗ trợ, chính sách hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, tàu thu mua; giảm sản lượng khai thác nhưng phải nâng cao chất lượng; khai thác phải đảm bảo nguồn lợi, xây dựng được thị trường tiêu thụ và chuỗi liên kết tiêu thụ.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!