Kiên Giang: Khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng U Minh Thượng

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhắc đến U Minh Thượng, hẳn nhiều người nghĩ ngay đây là “túi cá” của tỉnh Kiên Giang, nhưng đó chỉ là quá khứ. Hiện nguồn cá đồng ở đây đang dần cạn kiệt, người nuôi cá cũng “sính” cá lai hơn là các loại cá đồng bản địa ở địa phương.


Sản lượng cá đồng ngày càng giảm sút 

Thực trạng

Ở các huyện vùng U Minh Thượng (An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng) bây giờ tìm được người bán cá đồng thật sự rất ít, có chăng là những người dân đi giăng câu, thả lưới trong các tán rừng tràm hay những ao nằm trong vùng đệm U Minh Thượng. Còn lại chủ yếu là cá nuôi.

Hiện, tổng diện tích nuôi cá nước ngọt của toàn huyện U Minh Thượng là 4.450 ha. Cá được nuôi với mật độ thưa, thả xen trong lúa, trong vuông tôm, ao nằm trong khu vực vùng đệm, năng suất đạt 368 kg/ha, sản lượng 1.640 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng các loại cá đồng (trê, lóc, rô, sặc rằn, thát lát…) rất ít, chủ yếu là chép, mè, rô phi…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn lợi cá đồng ngày càng suy giảm là: Biến đổi khí hậu và hiện tượng xâm nhập mặn; Diện tích nuôi các giống cá lai, các loại cá trắng ngày càng tăng, trong khi việc quản lý các đối tượng này còn hạn chế nên thất thoát ra tự nhiên làm cho nguồn lợi và môi trường sống của các loại cá đồng ngày càng hạn hẹp; Các cơ sở sản xuất cá giống còn ít và nhỏ lẻ, không cung cấp đủ nhu cầu của người nuôi; Mô hình thâm canh nuôi cá đồng không còn nhiều, nuôi tự phát, thiếu quản lý nên năng suất chưa cao và thất thoát nhiều.              

Giải pháp

UBND huyện U Minh Thượng kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang đã thống nhất triển khai mô hình kích thích sinh sản nhân tạo cá trê vàng bản địa vùng U Minh Thượng; Quỹ hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh cũng đã hỗ trợ cho huyện U Minh Thượng 500 triệu đồng để phát triển nuôi cá đồng. Theo đó, huyện tiến hành thành lập các tổ hợp tác nuôi cá ở một số nông hộ trong vùng đệm (mỗi hộ được giao khoán 1 ha mặt nước).

Ngoài ra, huyện đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện ngay việc nhân giống cá đồng bản địa (sặc rằn, rô, lóc…) để cung cấp cho bà con. Đồng thời, các cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho cá. Sau khi nguồn cá đồng dần khôi phục, huyện sẽ đăng ký thương hiệu và chỉ dẫn địa lý địa danh U Minh Thượng để đảm bảo đầu ra.

Đặc biệt, huyện Vĩnh Thuận đang tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mắm cá đồng. Hiện, toàn huyện hiện có khoảng 20 hộ làm mắm cá đồng, trong đó 6 hộ làm quy mô tương đối lớn, bán ra thị trường vài chục tấn mỗi năm. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ vốn cho những người làm mắm lâu năm ở địa phương, tìm nguồn cá đồng làm mắm và tiếp thị đầu ra. Hi vọng, với hướng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này, việc khôi phục nguồn lợi cá đồng càng được đẩy mạnh.

Thùy Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!