Kiên Giang phát triển thế mạnh nuôi cá lồng bè

Chưa có đánh giá về bài viết

Kiên Giang là tỉnh có số lượng nuôi cá lồng bè trên biển lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu tại các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên, đóng góp hàng triệu tấn cá nước mặn cho tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu mỗi năm.

Nuôi cá biển xuất khẩu

Tại Hòn Nghệ, đa số dân đều nuôi cá mú và cá bóp để xuất khẩu, một số ít nuôi cá tạp để tiêu thụ nội địa. Ông Trần Văn Sùng, một ngư dân gắn bó với nơi này từ hơn 20 năm nay, cho biết, trước đây ông sống bằng nghề đánh bắt, nay chuyển sang nuôi cá lồng bè, vừa tốn ít vốn vừa mang lại hiệu quả cao, nhờ nguồn thức ăn tại chỗ, dễ tìm. Theo ông, bình quân mỗi lồng bè, người nuôi sau hơn 1 năm, trừ hết chi phí thức ăn, con giống, còn lãi khoảng 40 triệu đồng, vốn 1 lời 1. Nhưng nếu không may gặp con giống kém chất lượng, hao hụt nhiều, cá chậm lớn thì tiền lãi rất mong manh.

Ông Vũ Ngọc Dẽo, người chuyên cung cấp cá giống cho biết, trước đây nguồn con giống thường bắt từ tự nhiên, gần đây đa số mua từ Đài Loan hoặc Nha Trang, vận chuyển khó khăn nên giá thành khá cao, bình quân 80.000 – 100.000 đồng/con, có loại (như mú nghệ) 200.000 đồng/con. Nhưng đối với những người năng động, chịu làm, họ rất tự tin. Bản thân ông chỉ nuôi có 2 bè mỗi năm cũng thu nhập trên 100 triệu đồng. Cá mú hiện có nhiều loại: mú sao (500.000 đồng/kg ); mú hùm (340.000 đồng/kg)… Ngoài ra còn có mú nghệ, giống mới nhập từ Đài Loan, trung bình mỗi con đạt trọng lượng 15 kg. 

Vùng nuôi cá lồng bè ở Hòn Nghệ, Kiên Giang – Ảnh: Lê Bảo Yến

Không chỉ người Hòn Nghệ, nơi đây còn thu hút nhiều công ty đến thuê mặt nước để nuôi cá xuất khẩu, bởi vùng đất này nuôi cá rất thuận lợi, với nguồn nước biển sạch nằm xa đất liền. Ông Trần Chính Hy, Giám đốc Công ty Vĩnh Hằng Sương hiện có 77 ô nuôi, cho biết, gần 3 năm nay Công ty đã chọn địa điểm ở xã Hòn Nghệ để đóng bè và thả nuôi cá mú sao, đảm bảo nguồn nguyên liệu xuất khẩu.

  

Giải quyết khó khăn

Ngoài cá mú, ngư dân ở đây còn nuôi cá bóp, một loài cá thịt ngon, được nhiều người chuộng. Ông Dẽo cho biết, cá bóp dễ nuôi, mau lớn, trọng lượng trung bình 7 – 12 kg/con. Nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn giống, người nuôi phải mua con giống trôi nổi hoặc từ người đánh bắt trong tự nhiên. Ông Năm Bửu, một người chuyên nuôi cá bóp ở Hòn Ngang cho biết, sau 18 tháng cho ăn đầy đủ, cá có thể nặng trên 10 kg, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, nhưng với điều kiện con giống phải khỏe mạnh.  

Ông Lê Văn Kỉnh, một trong những người nuôi cá mú và cá bóp số lượng lớn chia sẻ, sau một thời gian nuôi ở Vũng Tàu không thành công do môi trường không thích hợp, ông đã dời vào vùng biển Kiên Lương, tiếp tục phát triển từ vài ngàn con đến hàng vạn con. Năm 2013, ông xuất bán 6 tấn cá sang Trung Quốc và Hồng Kông. Tuy nhiên, lợi nhuận chưa cao lắm, vì nguồn cá giống hao hụt quá nhiều. Ông đang nghiên cứu để tìm cách khắc phục. Cá mú và cá bóp hiện được coi là đặc sản có giá trị thương phẩm cao nên phong trào nuôi bè ở các vùng biển đảo Kiên Giang ngày càng nhiều (trên 900 lồng).

Tuy nhiên, hầu hết các mô hình nuôi cá lồng bè đến nay đều mang tính tự phát, người dân tự mò mẫm, tự rút kinh nghiệm, thiếu sự hợp tác với ngành khuyến ngư nên không tránh được rủi ro. Nhằm mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân trên đảo, tỉnh Kiên Giang đang quy hoạch lại vùng nuôi, xây dựng trại sản xuất giống; đồng thời đề ra những biện pháp, chính sách thích hợp để nghề phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ cho biết: Thời gian tới, xã sẽ xây dựng chương trình khuyến ngư ngay tại địa bàn và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật để ngư dân an tâm phát triển cá lồng bè; đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay. Xã cũng đang đề nghị huyện và tỉnh giúp ngư dân nuôi cá lồng bè chủ động được nguồn giống hình thức có thể cho cá đẻ nhân tạo, từ đó tăng sản lượng nuôi cá lồng bè của tỉnh lên, đồng thời tăng thu nhập cho dân vùng hải đảo xa.

>> Từ nay đến năm 2015 và hướng đến 2020, tỉnh Kiên Giang quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển khu vực quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), xã đảo Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc – Hà Tiên) và quanh đảo Phú Quốc. Ổn định, đầu tư chiều sâu 1.500 lồng nuôi, sản lượng 2.000 tấn trở lên năm 2015 và 3.000 lồng sản lượng 6.000 tấn vào năm 2020.

Lê Bảo Yến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!