T2, 06/07/2020 01:57

Kiên Giang: Thực hiện hiệu quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một trong những địa phương phát triển mạnh về khai thác thủy sản, thường xuyên xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm về khai thác; chính vì vậy, tỉnh Kiên Giang đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, thực hiện tốt các giải pháp cấp bách để khắc phục khuyến nghị của EC; trong đó triển khai rất hiệu quả việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Tích cực triển khai

Hiện nay, Kiên Giang đang sử dụng song song 2 phần mềm giám sát tàu cá, gồm phần mềm giám sát của tỉnh và của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Chi cục Thủy sản Kiên Giang là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát hoạt động tàu cá trên địa bàn tỉnh. Phần mềm giám tàu cá của Kiên Giang được triển khai từ đầu năm đến nay, với 5 đơn vị tham gia cung cấp thiết bị và kết nối với hệ thống là VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel, Bình Anh; Còn phần mềm chung của Tổng cục Thủy sản mới được phân cấp từ đầu tháng 10/2019 gồm 6 đơn vị cung cấp thiết bị kết nối với hệ thống là VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel, Bình Anh và Movimar. 

Qua hệ thống giám sát của tỉnh, các tàu cá hoạt động có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều được Chi cục Thủy sản giám sát 24/24h. Ông Nguyễn Quốc Trường, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế, Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, hệ thống giám sát tàu cá cơ quan quản lý sẽ nắm được hoạt động của tàu, hoạt động tại vùng nào, kịp thời cảnh báo cho tàu khi vi phạm; theo đó, nâng cao hiệu quả trong quản lý tàu cá hoạt động trên biển. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản cũng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cung cấp thông tin tàu cá vượt đường biên giới vùng biển Việt Nam để xử lý vi phạm. Ngoài việc vận hành hệ thống giám sát còn phát hiện tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình, xác định và làm rõ nguyên nhân để khắc phục, còn nếu hành động tác động vô hiệu hóa thiết bị hành trình thì sẽ lập biên bản xử lý theo quy định. 

Việc vận hành hệ thống này còn góp phần truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác, là cơ sở để các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận sản phẩm khai thác xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Theo ghi nhận tại Kiên Giang, tính đến hết tháng 10/2019, toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.030 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, chiếm 75,9% so tổng số tàu cá loại này; riêng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên lắp đặt được 562 tàu, đạt 90,9%. 

Kiên Giang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục khuyến nghị của EC

Xử lý nghiêm vi phạm

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, về thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá thì Kiên Giang là một trong những tỉnh đi đầu, triển khai phần mềm của VNPT. Thời gian tới, đề nghị địa phương cần xử lý các tàu cá tắt kết nối thiết bị giám sát hành trình để triệt để giảm thiểu tàu cá vi phạm trong khai thác thủy sản. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, Chi cục Thủy sản đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện hệ thống trang thiết bị, màn hình, sử dụng phần mềm, cố gắng kết nối các thiết bị đối với tàu cá với tỷ lệ lắp đặt cao. Cùng đó, công tác đăng kiểm, cấp phép, chứng nhận có nhiều cố gắng để xác lập các hồ sơ cơ bản về hoạt động của tàu cá. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng cần nỗ lực hơn nữa nhằm chủ động nắm bắt tình hình giám sát tàu cá; phân công nhiệm vụ, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện giám sát tàu cá một cách hợp lý, cần tăng mức xử phạt vi phạm để chống khai thác IUU.

Hiện, Chi cục Thủy sản Kiên Giang tập trung rà soát thực tế, phân loại, thống kê thời hạn giấy phép khai thác, đăng ký đăng kiểm… yêu cầu chủ tàu hoàn thiện lắp đặt thiết bị trước khi được cấp phép. Đối với số tàu đang nằm bến, Chi cục tiến hành ghi nhận địa điểm, lưu hình ảnh, yêu cầu chủ tàu viết cam kết khi ra khơi khai thác đánh bắt thủy sản phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Những tàu cá trước đây lắp đặt thiết bị VX-1700 chất lượng hoạt động kém yêu cầu chủ tàu thay thế bằng thiết bị khác đáp ứng theo quy định hiện hành. Những tàu cá nằm trong danh sách IUU, tàu bị chìm đắm, Chi cục cũng rà soát, phân loại và xóa sổ bộ số tàu không còn tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản do đắm chìm, mất tích, bị nước ngoài tịch thu… để rút gọn danh sách tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

>> Thực hiện Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã ra quân tuần tra, kiểm soát trên biển, tuyên truyền và xử lý nghiêm các tàu vi phạm khai thác IUU. Qua đó, đã lập biên bản vi phạm hành chính 54 phương tiện, xử phạt số tiền trên 1,1 tỷ đồng với các hành vi như: khai thác sai vùng; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không có sổ nhật ký khai thác thủy sản…

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!