Kiên Giang: Tôm – lúa là mô hình đặc trưng và quan trọng

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ khi chuyển từ 1 vụ lúa sang sản xuất 1 vụ tôm 1 vụ lúa đến nay, mô hình tôm – lúa của tỉnh Kiên Giang đã có sự phát triển tương đối ổn định cả về hiệu quả lẫn diện tích thực hiện.

Đây là mô hình chiếm diện tích lớn với khoảng 90.000 ha, phần lớn tập trung tại các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận. Ngành nông nghiệp địa phương cũng xác định đây là mô hình đặc trưng và quan trọng trong cơ cấu nuôi tôm của tỉnh. Nếu so với trước đây khi chỉ độc canh cây lúa, thì việc chuyển sang làm tôm – lúa đã giúp người dân tăng lợi nhuận lên gấp 2 – 3 lần.

Qua thực tế sản xuất nhiều năm nhận thấy, một trong những thách thức lớn của mô hình tôm – lúa đó là hệ thống thủy lợi chưa được khép kín, nên mặn càng ngày càng cao và sâu vào nội đồng, nên hiện có khoảng 12.000 ha không thể thực hiện được mô hình tôm – lúa. Vấn đề thứ hai là do lợi nhuận từ con tôm quá lớn so với cây lúa, nên một số hộ dân tiếp tục thả nuôi tôm vụ 2 thay vì lấp lại bằng vụ lúa, gây nguy cơ mất tính bền vững của mô hình. Một bất cập tiếp nữa là, sản phẩm từ mô hình tôm – lúa rất gần với tự nhiên, nhưng lại không tạo được giá trị gia tăng nên cũng hạn chế động lực sản xuất của nông dân khi thực hiện mô hình này. Và cuối cùng là chi phí đầu vào ngày càng tăng cao, nhưng giá bán tôm thì không tăng, thậm chí còn giảm mạnh, như 4 tháng đầu năm nay.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, trong định hướng chung, tới đây, mô hình tôm – lúa này sẽ được tập trung đầu tư hạ tầng, kỹ thuật và công nghệ để cải thiện năng suất và giá trị tôm nuôi, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng tôm – lúa. Đồng thời, tỉnh cũng tiến hành rà soát, bổ sung những diện tích bị ảnh hướng mặn, năng suất lúa kém hiệu quả để chuyển sang luận canh tôm – lúa. Sở NN&PTNT dự kiến phấn đấu đến năm 2020, năng suất tôm nuôi trong mô hình sẽ đạt bình quân 380 – 500 kg/ha và đưa diện tích tôm – lúa toàn tỉnh lên 90.000 ha vào năm 2030. Ngoài ra, hiện tỉnh Kiên Giang còn có khoảng 2.000 ha nuôi tôm công nghiệp, tập trung ở khu vực vùng Tứ giác Long Xuyên.

Năm 2018, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có 19.622 ha nuôi tôm nước lợ, trong đó 17.522 ha luân canh tôm – lúa. Còn ở huyện An Minh, diện tích vụ tôm nuôi nước lợ 5 năm nay là hơn 47.768 ha, trong đó nông dân đã bắt đầu chuyển dịch từ nuôi tôm sú sang thả nuôi tôm càng xanh.

Mai Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!