T2, 06/07/2020 12:51

Kiên quyết xử lý tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, tình trạng ngư dân tỉnh BR-VT đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép và bị bắt giữ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp dùng mọi cách để né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng nhằm xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Lực lượng Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đá kiểm tra hành chính trên tàu cá BV 99898 TS, phát hiện tàu này vừa đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Indonesia trở về cập cảng Bến Đá - TP.Vũng Tàu.

Lực lượng Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đá kiểm tra hành chính trên tàu cá BV 99898 TS, phát hiện tàu này vừa đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Indonesia trở về cập cảng Bến Đá – TP.Vũng Tàu.

Đủ kiều “né” cơ quan chức năng

Kể từ sau Hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép” diễn ra vào ngày 23-5-2017 do Tỉnh ủy BR-VT tổ chức, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép và bị bắt giữ đã giảm đáng kể. Theo Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, từ tháng 6 đến tháng 9-2017 (4 tháng), chỉ xảy ra 7 vụ/14 tàu cá/100 ngư dân tỉnh BR-VT khai thác hải sản trên vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Trong đó, Thái Lan bắt 1 vụ/2 tàu cá/14 ngư dân; Indonesia bắt 6 vụ/12 tàu cá/86 ngư dân). So với 4 tháng trước đó (tháng 2, 3, 4 và 5), giảm 20 vụ/28 tàu cá/225 ngư dân.

4 tàu cá KG 94052 TS, KG 93794 TS, KG 93925 TS và KG 93204 TS đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển Malaysia bị lực lượng BĐBP tỉnh BR-VT phát hiện, xử lý khi cập cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).

4 tàu cá KG 94052 TS, KG 93794 TS, KG 93925 TS và KG 93204 TS đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển Malaysia bị lực lượng BĐBP tỉnh BR-VT phát hiện, xử lý khi cập cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu).

Mặc dù số vụ ngư dân đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài giảm nhiều trong thời gian gần đây, nhưng tình trạng này vẫn còn âm ỉ. Một số trường hợp đã sử dụng nhiều “chiêu” nhằm né tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng trong nước và nước ngoài để tiếp tục vi phạm. Điển hình như ngày 3-9-2017, Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đá phát hiện tàu cá BV 99898 TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện số đăng ký tàu này dán chồng lên ký hiệu TF1126. Ông Trần Phương Anh (SN 1981), thuyền trưởng tàu cá BV 99898 TS cho biết, ông đã điều khiển tàu sang vùng biển Indonesia đánh bắt hải sản trái phép bằng cách dùng sơn đen xóa số đăng ký tàu và kẻ số TF1126 (số ký hiệu tàu cá Indonesia) nhằm tránh bị lực lượng Hải quân nước này phát hiện, bắt giữ. Sau khi đánh bắt trở về TP.Vũng Tàu, thuyền trưởng Trần Phương Anh chỉ đạo thuyền viên vẽ lại số đăng ký tàu trong nước và dán chồng lên chỗ kẻ ký hiệu TF1126 nhằm tránh việc bị kiểm tra, kiểm soát khi làm thủ tục nhập bến.

Trước đó, ngày 18-8-2017, tại cảng Cát Lở, Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Vũng Tàu phát hiện trên thân tàu cá KG  93204 TS do ông Trần Kháng Chiến (SN 1979, trú tại tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, phần chữ, số hiệu có dấu hiệu cạo sửa, tẩy xóa. Tiến hành kiểm tra hành chính, lực lượng BĐBP phát hiện trên tàu cá có 6 chiếc phao nhựa in chữ tiếng Anh và Malaysia cùng 1 lá cờ Malaysia. Ông Chiến khai nhận, mỗi khi đưa tàu sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép, ông đã yêu cầu các thuyền viên treo cờ của quốc gia này trên tàu để “qua mặt”  cơ quan chức năng nước sở tại.

Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: Thời gian qua, cơ quan chức năng đã cấp thiết bị Movimar cho các phương tiện đánh bắt xa bờ để quan sát tàu cá, vùng đánh bắt… bằng công nghệ vệ tinh. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu đã không gắn thiết bị này trên tàu hoặc có gắn nhưng tự ý ngắt kết nối khi đi biển, khiến công tác kiểm tra, giám sát tàu cá của các ngành chức năng gặp nhiều khó khăn.

Tàu BV 99898 TS đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Indonesia bằng cách dùng sơn đen xóa số đăng ký tàu và kẻ số TF1126.

Tàu BV 99898 TS đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Indonesia bằng cách dùng sơn đen xóa số đăng ký tàu và kẻ số TF1126.

Tiếp tục ngăn chặn, xử lý nghiêm

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tiến, những năm gần đây, do lượng tàu cá công suất lớn, đánh bắt xa bờ được ngư dân đóng mới, nâng cấp ngày càng nhiều, cùng với nguồn lợi hải sản trên vùng biển Việt Nam ngày càng cạn kiệt nên một số ngư dân do thiếu hiểu biết, hám lợi đã đưa tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép. Bên cạnh đó, một số vùng biển giữa Việt Nam và nước tiếp giáp chưa được phân định rõ ràng nên một số ngư dân khi đánh bắt thường đi vào vùng chồng lấn. Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này, thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc yêu cầu chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá đánh bắt xa bờ trang bị máy thông tin liên lạc, phải mở máy 24/24 giờ/ngày và hàng ngày phải báo cáo vị trí hoạt động khai thác về trạm bờ theo quy định; yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ trước khi xuất bến làm cam kết không đưa tàu sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép…

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật cho ngư dân, đặc biệt tại các địa phương có số lượng tàu cá bị bắt giữ nhiều trong thời gian qua như xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và phường 5, 6 (TP.Vũng Tàu); kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá tái phạm; tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá vi phạm trong vòng 6 tháng; xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi nghề lưới kéo và tàu khai thác ven bờ kết hợp với triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định số 67/NĐ-CP của Chính phủ; thực hiện lộ trình từ nay đến năm 2020 phải chuyển đổi nghề đối với loại tàu hành nghề lưới kéo, tiến tới đến năm 2020 cơ bản không còn loại hình hoạt động nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh.

Phương Nam

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!