Kim Sơn: Tích cực cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi trồng thủy sản năm 2017 tại huyện Kim Sơn đã khép lại với nhiều kết quả khả quan. Tranh thủ quãng thời gian nghỉ giữa hai vụ, các hộ nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ nơi đây đang tích cực thực hiện công tác cải tạo ao đầm, đảm bảo thời vụ nuôi thả năm 2018.

Cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới ở Kim Sơn.

Cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới ở Kim Sơn.

Gia đình anh Bùi Quốc Trình tại xóm 5, xã Kim Hải có gần 3 mẫu đầm nuôi tôm thâm canh. Trong năm 2017, mỗi vụ anh nuôi thả 15 vạn con giống tôm thẻ chân trắng. Tổng kết lại một năm nuôi trồng thủy sản đã qua, anh cho biết: Nuôi tôm đã cho gia đình tôi nguồn lợi nhuận đáng kể, ước tính hơn 100 triệu đồng. 

Anh Trình giải thích thêm, do đây mới là năm thứ hai anh nuôi thủy sản nên chưa có nhiều kinh nghiệm về chọn giống, thức ăn và kỹ thuật nuôi tôm… Mặt khác, năm vừa qua ao đầm nuôi chịu tác động xấu từ thời tiết nên lợi nhuận chưa đạt như mong muốn. Bởi vậy, anh đặt niềm tin lớn vào vụ nuôi thả năm 2018 sắp tới. 

Để có một vụ nuôi thả thủy sản thắng lợi, bên cạnh việc tự bổ sung những kiến thức về nuôi thả thủy sản, anh Trình cũng rất tích cực trong việc cải tạo ao đầm, giảm thiểu dịch bệnh. Anh chia sẻ, giống tôm rất nhạy cảm với môi trường, vì vậy việc cải tạo, khử trùng ao đầm là rất cần thiết. 

Ngay sau khi thu hoạch xong toàn bộ diện tích nuôi tôm từ khoảng tháng 9/2017, anh Trình đã tiến hành rút hết nước trong ao nuôi, dọn vệ sinh đáy ao. Đáy ao thường được làm nghiêng và có một khoảng nhỏ tại giữa ao, thường được gọi là “rốn ao”, được đào sâu hơn mặt đáy. Đây là nơi để tập trung tạp chất như chất thải của tôm, thức ăn thừa, rong rêu… trong quá trình nuôi. 

Chính việc thiết kế “rốn ao” đã giúp đáy ao sạch hơn, việc xử lý các chất thải cũng đơn giản hơn rất nhiều. Sau khi xử lý phần chất thải tại rốn ao sẽ tiến hành phơi khô đáy ao và rắc vôi bột để khử trùng. Với thời gian khoảng một tuần để phơi khô ao và rắc vôi bột, sau đó sẽ lấy nước vào ao nuôi và tiếp tục ngâm trong khoảng một tuần nữa rồi tiến hành bơm nước ra. 

Anh Trình cho biết: Việc xử lý ao nuôi để chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới không tốn kém nhiều kinh phí, song rất quan trọng, hạn chế khả năng tôm bị nhiễm bệnh trong quá trình nuôi. Bởi vậy nên mấy chục hộ nuôi tôm xung quanh đây cũng đang khẩn trương thực hiện việc cải tạo và khử trùng ao đầm nuôi.

Với hộ nuôi tôm lâu năm như gia đình ông Đặng Thanh Doãn tại thị trấn Bình Minh thì có cách làm hơi khác vì toàn bộ khu ao nuôi tôm của ông trước đây còn khá đơn sơ, không đảm bảo kỹ thuật để nuôi thả tôm vụ đông. Trong khi đó, tôm vụ đông có giá thành rất cao, chính vì vậy ông quyết định đầu tư, cải tạo lại ao đầm để nuôi thả được cả trong vụ đông năm sau. 

Ông cho biết, ao nuôi có hệ thống mái che sẽ cho khả năng giữ nhiệt rất tốt, chênh lệch với môi trường bên ngoài có thể lên đến 10 độ C. Vì vậy, đây là điều kiện cần thiết để nuôi tôm vụ đông. Hiện gia đình ông đang thuê thêm nhiều nhân công để hoàn tất quá trình cải tạo ao nuôi này.

Năm 2018, huyện Kim Sơn mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên trên 4.100ha, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ là hơn 3.300ha. Cán bộ phụ trách thủy sản huyện Kim Sơn cho biết, theo kế hoạch sản xuất nuôi trồng thủy sản của huyện đề ra, việc cải tạo ao đầm sẽ bắt đầu từ ngày 20/12/2017 và phải hoàn thành trong tháng 3/2018. 

Trong đó, các quy trình vệ sinh và cải tạo ao đầm được hướng dẫn và có quy định thời gian cụ thể. Ví dụ như việc dùng vôi bột để khử trùng, diệt tạp với liều lượng từ 300 đến 700kg/ha, tùy thuộc vào vị trí, chất đất ao mới hay ao cũ, và phải hoàn thành trong khoảng thời gian tháng 1/2018 để sau đó sẽ tiến hành lấy nước thau rửa ao đầm. 

Khi tiến hành lấy nước nuôi, các hộ cũng cần chú ý độ mặn phù hợp từ 18 đến 22%, đồng thời tiến hành xử lý nước trong cả ao ương và ao nuôi thương phẩm. 

Các hộ nuôi thả cũng cần tiến hành kiểm tra các chỉ số môi trường ao nuôi để điều chỉnh cho ổn định, phù hợp với yêu cầu sinh thái của đối tượng nuôi. Mọi công việc chuẩn bị cần hoàn tất để đầu tháng 4/2018 sẽ bắt đầu vụ nuôi thả mới.

Bài, ảnh: Thái Học

Báo Ninh Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!