Kinh phí ảnh hưởng đến hoạt động nhiều địa phương

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chia sẻ của ông Phạm Hồng Quân (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng Dân số, Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia DS – KHHGĐ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về việc thực hiện Đề án 52 tại các địa phương và giải pháp tháo gỡ khó khăn thời điểm hiện nay.

ông phạm Hồng QuânÔng đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của Đề án 52 giai đoạn 2011 – 2015?

Tính đến nay, Đề án 52 đã kết thúc thực hiện giai đoạn I (2009 – 2015), đang bước vào thực hiện giai đoạn II (2016 – 2020). Đây là Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để đánh giá cụ thể về kết quả, hiệu quả thực hiện Đề án, Bộ Y tế đã giao cho Tổng cục DS – KHHGĐ xây dựng kế hoạch, lựa chọn cơ quan nghiên cứu độc lập để đánh giá giữa kỳ thực hiện trong năm 2016. Tuy nhiên, bước đầu có thể khẳng định Đề án 52 triển khai trong giai đoạn I đã đạt được nhiều kết quả theo các mục tiêu đề ra, trong đó cốt lõi là sứ mệnh “cánh tay nối dài” để lấp khoảng trống của Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ chưa giải quyết được những nét đặc thù riêng về địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường và tập quán của các vùng miền; đặc biệt là các vùng biển đảo và ven biển, như cung cấp đầy đủ, kịp thời, thuận tiện và có chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE/SKSS/KHHGĐ cho hàng triệu phụ nữ và bà mẹ mang thai.

Mục tiêu chung của Đề án, đưa tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các BPTT hiện đại đạt 72% từ năm 2015 đến năm 2020. Theo số liệu từ hệ thống thông tin quản lý chương trình của Tổng cục DS – KHHGĐ, với sự tập trung đầu tư thực hiện thì chỉ tiêu này khá khả quan và sẽ đạt được.

Năm 2013 – 2014, Tổng cục DS – KHHGĐ phối hợp với Cục Quân y, Bộ Quốc phòng triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho bộ đội và người dân sống và làm việc tại địa bàn các huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Phú Quý (Bình Thuận). Tính đến nay, 28 tỉnh/thành phố ven biển trực thuộc Trung ương đã thành lập 169 đội lưu động, bình quân mỗi đơn vị huyện Đề án có 1 đội lưu động Y tế – KHHGĐ tuyến (2.188.000 lượt người được tư vấn về các nội dung chăm sóc SKSS/KHHGĐ); 518.466 bà mẹ mang thai đã được khám thai; 3.121.063 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được khám phụ khoa, trong đó 1.134.784 trường hợp phụ nữ được phát hiện bị mắc các bệnh phụ khoa được cấp thuốc điều trị và tư vấn…

 

Theo chia sẻ của các địa phương, việc thiếu kinh phí đã khiến nhiều hoạt động của Đề án từ đầu năm đến nay bị ảnh hưởng. Ông chia sẻ gì về điều này?

Trong quá trình thực hiện Đề án, kinh phí vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Định mức chi cho các dịch vụ còn thấp so với giá thành thuốc, vật tư y tế hiện nay; kinh phí cấp hàng năm cho Trung ương và địa phương chậm. Thực tế từ đầu năm 2016 đến nay, kinh phí triển khai chưa có. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động của Đề án và đặc biệt là việc thực hiện của các địa phương

Theo đó, để làm tốt công tác dân số, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Trung ương duy trì thực hiện tốt các mục tiêu của năm 2015, đó cũng là mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ giai đoạn 2011 – 2015. Căn cứ từ đặc thù riêng của địa phương mình, hoạch định kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Đây cũng là giai đoạn mà công tác DS – KHHGĐ chuyển sang thực hiện với các định hướng mới và cơ chế quản lý mới. Do điều kiện khó khăn về kinh tế nói chung nên kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ nói chung và Đề án 52 nói riêng thay đổi và giảm nhiều, đặc biệt phê duyệt, cấp phát chậm.

Đặc thù của Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ và Đề án 52 là kinh phí được lập và phân bổ theo những mục tiêu cụ thể, do vậy thiếu kinh phí thì phải giảm bới mục tiêu. Tuy nhiên, ngành DS – KHHGĐ cố gắng khắc phục bằng cách lựa chọn thực hiện các mục tiêu ưu tiên, quan trọng trước. Về phía địa phương, hiện đang vận động đẩy mạnh xã hội hóa và hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách cơ sở để giải quyết những vấn đề theo đặc thù riêng của địa phương mình; đồng thời, vận động thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác DS – KHHGĐ, tạo sự đồng thuận, tham gia thực hiện của toàn xã hội.

Vấn đề tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao, nguyên nhân do đâu, giải pháp gì tháo gỡ và hạn chế tình trạng trên, thưa ông?

Theo số liệu năm 2015, trong số 28 tỉnh/thành phố thuộc Đề án 52 vẫn còn một nửa (14/28 tỉnh/thành có tỷ số giới tính ở mức cao, trên 110 trở lên). Nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh, ngoài tác nhân chung như các tỉnh trong cả nước thì có những nguyên nhân đặc thù như: vùng biển, đảo và ven biển là những vùng khó khăn, thiếu điều kiện tiếp cận với các dịch vụ SKSS/KHHGĐ; đặc thù nghề nghiệp nên khó tiếp cận với thông tin tuyền thông, dịch vụ KHHGĐ; nghề đi biển cần lao động nam giới…

Để khắc phục tình trạng này, cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2020 tại quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hoạch định những giải pháp riêng như, tổ chức phối hợp với Bộ đội Biên phòng theo mô hình quân dân y kết hợp; Tổ chức các đội lưu động cung cấp thông tin truyền thông và dịch vụ SKSS/KHHGĐ; Cung cấp các biện pháp KHHGĐ phù hợp với đặc thù của vùng biển, đảo và ven biển.

Nhìn chung, công tác DS – KHHGĐ tại khu vực biển, đảo và ven biển còn nhiều thách thức. Vì vậy, thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở các địa bàn biển, đảo và ven biển cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thảo (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!