T2, 06/07/2020 12:32

KVIP: Hỗ trợ doanh nghiệp ươm mầm ý tưởng

Chưa có đánh giá về bài viết

Khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 11/2015, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) được kỳ vọng là bước đột phá giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu, đổi mới công nghệ; từ đó nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông thủy sản và cơ khí chế tạo phục vụ chế biến nông thủy sản. Trao đổi với ông Phạm Minh Quốc (ảnh), Giám đốc KVIP để hiểu rõ hơn về mô hình này, cũng như mục tiêu mà KVIP hướng đến.

Toàn cảnh KVIP

Toàn cảnh KVIP

Ông có thể giới thiệu đôi nét về KVIP?

Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (KVIP) là dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc. Vườn ươm được xây dựng trên diện tích đất 4,5 ha tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ với tổng diện tích sàn 13.012 m2, và tổng vốn đầu tư khoảng 21,3 triệu USD, trong đó vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại là 17,7 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3,43 triệu USD.

Vườn ươm gồm có hai khu là Khu hành chính và Khu nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm. Khu hành chính bao gồm một hội trường lớn sức chứa 160 khách; một phòng họp tiêu chuẩn quốc tế 40 chỗ; ba phòng họp nhỏ; 35 văn phòng làm việc cho doanh nghiệp ươm tạo và doanh nghiệp dịch vụ; 10 phòng nghỉ cho chuyên gia/doanh nghiệp; hai ký túc xá cho nhân viên của doanh nghiệp. Khu nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm bao gồm phòng thí nghiệm đo lường chất lượng sản phẩm nông sản, thủy sản trong và sau quá trình ươm tạo; Ba khu xưởng sản xuất thực nghiệm chế biến nông sản, chế biến thủy sản, cơ khí chế tạo máy được trang bị các máy móc thiết bị hiện đại.

Được biết KVIP là một mô hình rất mới tại Việt Nam, vậy những điểm khác biệt của KVIP là gì, thưa ông?

Vườn ươm được xây dựng theo mô hình Techno Park của Hàn Quốc, một trong những mô hình cơ bản giúp đất nước Hàn Quốc từ nghèo khó sau chiến tranh đã phát triển mạnh như hiện nay. Đây là Vườn ươm thứ 19 và là Vườn ươm đầu tiên Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài. Do đó, Vườn ươm có lợi thế rất lớn trong việc nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Hàn Quốc; đồng thời các doanh nghiệp ươm tạo và doanh nghiệp của TP Cần Thơ và ĐBSCL cũng có cơ hội rất lớn trong việc tiếp cận thị trường và công nghệ tiên tiến từ nước này.

Một trong những lợi thế nữa của Vườn ươm là việc được đầu tư cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện từ trụ sở làm việc cho đến các thiết bị máy móc hiện đại  có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia ươm tạo từ khâu hình thành ý tưởng đến nghiên cứu sản xuất sản phẩm và tiếp cận thị trường. Ngoài ra, Vườn ươm cũng nhận được sự giúp đỡ to lớn về chuyên môn của các chuyên gia từ Hàn Quốc cũng như các chuyên gia ở Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp giàu kinh nghiệm ở khu vực, đồng thời nhân sự tại Vườn ươm là đội ngũ trẻ, năng động được tập huấn, đào tạo tại Hàn Quốc.

Khu nhà xưởng thủy sản với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu tại KVIP

Khu nhà xưởng thủy sản với trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nghiên cứu tại KVIP

Đối với lĩnh vực thủy sản, KVIP có thể hỗ trợ được gì cho doanh nghiệp?

Khi doanh nghiệp tham gia ươm tạo trong lĩnh vực thủy sản, KVIP sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản thực hiện những ý tưởng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới hoặc cải tiến chất lượng sản phẩm và nhận được những ưu đãi từ cơ chế chính sách cho doanh nghiệp.

Với các trang thiết bị được lắp đặt tại KVIP, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia ươm tạo, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ thủy sản cụ thể là sản phẩm dạng paste như: xúc xích cá xông khói, chả cá, chạo cá, chạo tôm, chả lụa, lạp xưởng, hamburger…

Với 3 container vận chuyển thủy sản sống loại 40 feet và 6 bể chứa thủy sản sống có trang bị hệ thống xử lý nước tuần hoàn, sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp có quan tâm, thực hiện nghiên cứu điều kiện tối ưu cho tồn trữ các loại thủy sản sống trong thời gian dài, phục vụ cho công tác xuất nhập khẩu thủy sản sống bằng đường biển, cũng như thương mại vận chuyển thủy sản sống sang các vùng miền trên đất nước.

Tập thể nhân viên KVIP  tập huấn tại Hàn Quốc năm 2014

Tập thể nhân viên KVIP tập huấn tại Hàn Quốc năm 2014

Về kỹ thuật – công nghệ, doanh nghiệp sẽ được KVIP kết nối, giới thiệu chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản có chuyên môn phù hợp nhất với dự án ươm tạo của doanh nghiệp. Các chuyên gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về mặt kỹ thuật và công nghệ để doanh nghiệp có thể hoàn thiện dự án nghiên cứu đến tổ chức sản xuất kinh doanh và thương mại hóa sản phẩm.

Về thông tin thị trường – kết nối giao thương, nhằm đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, KVIP thường kết hợp với các hiệp hội, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến TP Cần Thơ tổ chức hội thảo, hội nghị kết nối giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Vườn ươm đã kết nối với một doanh nghiệp Hàn Quốc cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường hàng thủy sản của Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm thủy sản Việt Nam đến các thị trường này.

Đến với KVIP, doanh nghiệp được hưởng những cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt gì?

Giai đoạn ươm tạo, doanh nghiệp tham gia ươm tạo sẽ được hưởng các cơ chế chính sách từ Quyết định 1193/QĐ-TTg. Cụ thể, đối với chính sách thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 15 năm (trong đó miễn 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo). Đối với thuế xuất nhập khẩu được miễn thuế xuất nhập khẩu cho hàng hóa sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đối với các hỗ trợ nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực được hỗ trợ 50% chi phí thuê văn phòng và máy móc thiết bị tại Vườn ươm, chi phí đào tạo cho nhân sự không quá 4 triệu đồng/người/năm… Đặc biệt hỗ trợ 50% (không quá 500 triệu) cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ, mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu sử dụng trong quá trình ươm tạo. Đối với hỗ trợ dành cho chuyên gia, chuyên gia tham gia nghiên cứu, hỗ trợ ươm tạo tại KVIP sẽ hưởng tiền lương theo chế độ ưu tiên và miễn thuế thu nhập cá nhân. Các ưu đãi khác như hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công quốc gia, thương hiệu địa phương và quốc gia, đăng ký bảo hộ thương hiệu…

Trong giai đoạn hậu ươm tạo, đối với chính sách thuế, doanh nghiệp hậu ươm tạo được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp ươm tạo. Đối với đất đai, doanh nghiệp hậu ươm tạo được ưu tiên thuê đất ở Khu Vườn ươm 200 ha với ưu đãi miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo và nhiều ưu đãi khác.

Vậy, doanh nghiệp muốn được KVIP hỗ trợ cần phải đáp ứng những tiêu chí nào?

Để doanh nghiệp/cá nhân được nhận được hỗ trợ, trước tiên các doanh nghiệp phải có ý tưởng cải tiến sản phẩm hoặc tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng thuộc ba lĩnh vực chế biến gạo – nông sản, chế biến thủy sản, cơ khí – máy nông nghiệp. Ý tưởng được cụ thể thành một phương án sản xuất kinh doanh. Vườn ươm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện viết phương án này, tuy nhiên phương án phải cho thấy được tính mới, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, cơ hội thương mại sản phẩm mới được hội đồng xét chọn thông qua (bao gồm các thành phần quản lý, khoa học, tài chính…).

Trân trọng cảm ơn ông!

>> KVIP được thành lập với nhiệm vụ chính là nơi đi đầu khu vực về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, trợ giúp doanh nghiệp thực hiện ý tưởng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vượt qua những khó khăn ban đầu, phát triển và trưởng thành. Vườn ươm tập trung thiết lập và thực hiện chiến lược phát triển các doanh nghiệp trong ba lĩnh vực thế mạnh của ĐBSCL là chế biến gạo – nông sản, chế biến thủy sản và cơ khí chế tạo.


Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!