Lãi cao từ nuôi cá trắm, chép giòn

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình được Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và Trạm Khuyến nông thị xã Thái Hòa triển khai thí điểm tại hộ ông Trần Thanh Mai ở xóm 16, xã Nghĩa Thuận, trên diện tích 0,1 ha.

Mô hình nuôi cá trắm giòn và cá chép giòn bằng thức ăn đậu tằm là đối tượng dễ nuôi

Theo đó, hộ nuôi thí điểm được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn cho cá (chủ yếu là đậu tương ngâm ủ). Kết quả, sau 5 tháng thả nuôi, tỷ lệ cá sống đạt 98%, trọng lượng bình quân đối với cá trắm đạt 2,8 kg/con, cá chép đạt 1,5 kg/con. Tổng năng suất ước đạt trên 14 tấn, với giá bán như hiện nay, trừ chi phí hộ ông Mai thu lãi 35 triệu đồng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, so với phương pháp nuôi cá truyền thống của bà con nông dân thì khi áp dụng theo phương pháp này chất lượng thịt cá cải thiện rất nhiều, thịt cá giai, giòn, không có mùi tanh như các loại cá nuôi bằng thức ăn thông thường dẫn tới thay đổi chất lượng thịt của cá, tăng độ dai cơ thịt nên thịt cá trở nên chắc giòn.

Để đạt được hiệu quả cao từ mô hình, trước hết phải cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống đảm bảo chất lượng tốt để đạt được tỷ lệ sống cao tránh hao hụt, cỡ cá giống thả ban đầu > 1 kg/con, mật độ thả phù hợp nhất là 0,7 con/m2, thời vụ nên thả nuôi vào tháng 4 – 5 kéo dài đến tháng 10 – 11. Ngoài ra, thức ăn chính cho cá trắm, chép giòn bằng thức ăn đậu tằm là để tạo độ giòn, dai của thịt cá. Trước khi cho ăn, cần ngâm hạt đậu tằm với nước pha ít muối trong vòng 12 – 14 giờ; sau đó, vớt đậu tằm ra, rửa qua nước ngọt, bỏ vào bì ủ cho đến khi nứt mầm mới cho cá ăn. Trong giai đoạn đầu, không cho cá ăn cỏ mà phải cho ăn 100% đậu tằm. Sau khi cho cá ăn khoảng 3 tiếng thì quan sát xem cá có ăn hết hay không nhằm cân đối, điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp. Khi cho ăn, hạt đậu rất dễ bị chìm do đó thả cho cá ăn từng ít một. Lượng thức ăn hàng ngày của cá được tính theo 2 – 3% tổng trọng lượng cá nuôi trong ao. Dùng nhá để điều chỉnh lượng thức ăn, một ngày cho cá ăn 1 lần… Trong suốt quá trình dùng nhá, phải thường xuyên kiểm tra, vệ sinh để phòng bệnh cho cá.

Đây là mô hình nuôi thủy sản hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, mô hình nuôi cá trắm giòn và cá chép giòn bằng thức ăn đậu tằm là đối tượng dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, khả năng quay vòng vốn nhanh phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đây là đối tượng nuôi mới có thể thay thế ở những vùng nuôi cá truyền thống lâu năm, hiệu quả kinh tế không cao. Thời gian tới Trạm Khuyến nông thị xã Thái Hòa sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn, đặc biệt là ở các xã, phường có lợi thế về mặt nước ao hồ rộng lớn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

>> Trước thành công của mô hình nuôi cá trắm, chép giòn, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An và Trạm Khuyến nông thị xã Thái Hòa vừa tổ chức hội thảo đầu bờ. Tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao về năng suất, việc đầu tư thức ăn, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là chất lượng thịt cá được cải thiện, thịt giai, giòn, thời gian nuôi được rút ngắn, thu nhập khá.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!