Lại câu chuyện cá tra “cục nước đá”

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù Chính phủ đã đồng ý việc chưa áp dụng thực hiện quy định về hàm lượng nước, tỷ lệ mạ băng theo Nghị định 36; nhưng vấn đề cá tra “cục nước đá” vẫn chưa hết luận bàn.

Tình trạng cá tra “cục nước đá” xuất hiện vài năm nay trở lại đây và bị lên án mạnh mẽ vì điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, hãy nói không với hóa chất tăng trọng nước, giảm tỷ lệ mạ băng, yêu cầu công khai tỷ lệ mạ băng lên bao bì. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định tình trạng gian dối cho tăng tỷ lệ nước vào sản phẩm cá tra, tạo nên “một rừng giá, các nhà nhập khẩu rất phiền trách”, và ông cảnh báo: 7/10 thị trường lớn của cá tra đang giảm mạnh.

Nhằm chấn chỉnh chất lượng cá tra, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, Nghị định 36 ra đời, quy định sản phẩm cá tra xuất khẩu chỉ được tối đa 10% mạ băng, 83% hàm ẩm.

 

Bằng chứng khoa học

Còn quy định hàm lượng nước tối đa 83% có cơ sở từ đề tài khoa học thực hiện năm 2008 và cuối năm 2014, kết quả cho thấy: Hàm lượng nước tự nhiên trong fillet cá tra chưa qua chế biến (rửa, ngâm quay, cấp đông) là 79,70 + 0,34%; không phát hiện việc lạm dụng chất kích thích tăng trưởng để tích nước trong cá tại công đoạn nuôi. Việc sử dụng phụ gia nhóm phosphate là được phép theo quy định của CODEX để cải thiện chất lượng cảm quan, chống mất nước sau rã đông. Tuy nhiên, sử dụng phụ gia vừa đủ (tương ứng hàm lượng nước 83% và tỷ lệ tăng trọng 15%) đã đạt mục đích. Nếu lạm dụng phụ gia (ngâm quay kéo dài) đến hàm lượng nước 85 – 86% thì tỷ lệ tăng trọng sẽ tương ứng 35% đến hơn 40%, có thể bị coi là gian lận thương mại, làm giảm chất lượng sản phẩm cá tra fillet, bán giá thấp, dẫn đến nguy cơ cá tra Việt Nam bị cáo buộc, áp thuế chống bán phá giá (CBPG) – (Chấp nhận điều này tương tự chấp nhận bơm tạp chất vào tôm và bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ).

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ngày 13/1/2015, Bộ NN&PTNT có văn bản 293/BNN-QLCL, gửi một số địa phương ĐBSCL, giải thích cơ sở khoa học của tỷ lệ 10% và 83%. Mạ băng là để bảo vệ sản phẩm cá tra đỡ mất nước (cháy lạnh) gây giảm chất lượng.

Công văn của Bộ NN&PTNT kết luận: “Hiện nay, việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu qua các doanh nghiệp nhập khẩu chứ không trực tiếp đến hệ thống bán lẻ, nên sự thay đổi này ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà nhập khẩu và cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam; cho nên lý giải vì sao các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phản ứng quyết liệt và không muốn thay đổi. Việc không kiểm soát chất lượng và để tự doanh nghiệp kê khai đã diễn ra trước khi có Nghị định 36 và hậu quả là dẫn đến khủng hoảng toàn diện như thời gian qua”.

Theo công văn của Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp trong VASEP báo cáo tồn kho không trung thực. Để thực hiện Nghị định 36, Bộ quy định, các doanh nghiệp báo cáo tồn kho sản phẩm đã chế biến. Đến hết 20/12/2014, các doanh nghiệp tự kê khai lượng hàng tồn trên 360.000 tấn. Thế nhưng, Bộ NN&PTNT tổ chức 11 đoàn kiểm tra thực tế, hàng tồn chỉ khoảng 150.000 tấn.

 

Doanh nghiệp “kêu cứu”

Ngày 20/1, VASEP có công văn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị bỏ quy định “tỷ lệ mạ băng không quá 10%” và “hàm lượng nước tối đa không quá 83% so với khối lượng tịnh sản phẩm” trong Nghị định 36. Theo VASEP, việc quy định áp đặt về mức chất lượng sản phẩm là không thích hợp tính đa dạng của các mảng và phân khúc thị trường, khiến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam khó cạnh tranh sản phẩm cá thịt trắng khác trên thế giới. VASEP cho rằng việc ban hành những quy định kể trên vi phạm nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa). Để kiểm soát tình trạng gian lận thương mại về chất lượng cá tra, VASEP đề nghị Chính phủ bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp phải ghi trên nhãn hàng hóa trọng lượng tịnh (không mạ băng) và hàm lượng nước bổ sung vào fillet cá tra.

Cũng thời điểm này, Mỹ công bố thuế CBPG fillet đông lạnh cá tra, đợt rà soát 10, mức thuế sơ bộ là 0,97 USD/kg, cao gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ đưa ra cuối tháng 7/2014 là 0,58 USD/kg. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe giải thích, mức thuế cao do Mỹ tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá.

Thuế CBPG áp mức cao, nói ngắn gọn là do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nước ta bán dưới giá thành nhiều. Các nhà quản lý Mỹ yêu cầu, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu của nước ta bán sản phẩm cá tra vào Mỹ phải đắt hơn. Yêu cầu của Mỹ cũng chính là mục đích của Nghị định 36 trong quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm thấp, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra, xuất khẩu được giá cao. Những yêu cầu quản lý đó lại đáp ứng mong muốn nhiều năm nay của nông dân nuôi cá, mong xuất giá cao để mua nguyên liệu giá cao, doanh nghiệp không còn ép giá với nông dân hoặc chiếm dụng vốn của nông dân nữa.

Rõ ràng, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu “kêu cứu” với Chính phủ nước ta bước đầu có kết quả, lùi thời hạn nâng cao chất lượng và nâng cao giá bán cá tra, nhưng không thể “kêu cứu” như thế với Mỹ…

>> Từng có quan chức Nga hài hước: “Ở Nga băng giá nhiều tháng trong năm, thừa nước đá rồi, không cần doanh nghiệp Việt Nam chở nước đá sang bán nữa”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!