Làm gì để tôm Việt cạnh tranh sòng phẳng?

Chưa có đánh giá về bài viết

Con tôm đang ngày càng phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, nhất là trong bối cảnh những nước sản xuất tôm chính đều thực hiện cải tiến về công nghệ để giảm giá thành. Con tôm Việt Nam sẽ phải làm gì để tạo phân khúc và thương hiệu thay vì xuất khẩu giá rẻ?


Con tôm Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt

Lợi thế lớn

Hiện nay, diện tích nuôi tôm của Việt Nam khoảng 700.000 ha. Thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho việc tôm trồng tiến hành quanh năm, đảm bảo nguyên liệu để các doanh nghiệp chế biến duy trì hoạt động thường xuyên.

Cùng đó, Việt Nam hiện có 100 nhà máy chế biến tôm với công suất trung bình khoảng 500.000 – 700.000 tấn/năm, có thể mở rộng sản xuất trong thời gian ngắn. Trong đó, nhiều nhà máy quy mô lớn như Minh Phú, Quốc Việt… với các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng.

Về chính sách, hiện nhóm hàng này đang dành được sự quan tâm và ưu đãi của Chính phủ, Bộ, ngành. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong vài năm gần đây ngành tôm nước ta đã rất sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, hình thành một ngành sản xuất phát triển khá toàn diện, có sự tiếp cận và phản ứng tốt trước diễn biến của thị trường. Về tổng thể, đã tổ chức quản trị rất tốt, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, liên tục đạt mức tăng trưởng cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, trong 8 tháng đầu năm, sản lượng tôm nước lợ tăng khá, đạt hơn 494 nghìn tấn (tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017). Những tháng đầu năm 2018, giá tôm nguyên liệu (tôm thẻ chân trắng) giảm sâu; tuy nhiên, thời gian gần đây giá đang tăng trở lại. Dự báo những tháng cuối năm 2018, giá tôm nguyên liệu vẫn duy trì xu hướng tăng. Đây là tín hiệu tích cực đối với lĩnh vực nuôi tôm.

Kiểm soát giá đầu vào

Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến tôm Việt Nam kém sức cạnh tranh trên thị trường thế giới chính là vấn đề giá thành sản xuất. Cụ thể, giá tôm nguyên liệu của nước ta thường cao hơn 5.000 – 10.000 đồng/kg. Một phần là do diện tích nuôi tôm còn manh mún, nhỏ lẻ (trung bình 1 – 2 ha/hộ), trong khi thế giới hình thành các vùng nuôi tôm tập trung từ hàng trăm đến hàng nghìn ha mỗi hộ); cộng với giá thức ăn, vi sinh, thuốc cao hơn 10 – 20% do nguyên liệu phần lớn phải nhập khẩu…

Theo các chuyên gia, phải có giải pháp giảm chi phí sản xuất và gia tăng các sản phẩm giá trị cao để khai thác tốt cả phân khúc thị trường trung bình, cạnh tranh trực tiếp về giá và các thị trường ngách chấp nhận trả giá cao cho sản phẩm chất lượng. Một trong những giải pháp đó là ứng dụng công nghệ nuôi tôm tiên tiến, nuôi tôm nhiều giai đoạn giúp hạn chế dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm, nuôi cỡ lớn (20 – 30 con/kg), không sử dụng hóa chất kháng sinh… Theo ghi nhận, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn giúp tiết kiệm 100 – 120 triệu đồng/ha/năm.

Hướng tới mục tiêu lớn

Trong Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu phát triển ngành tôm nước lợ thành ngành công nghiệp hiện đại, đồng bộ và hiệu quả thông qua việc thu hút đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị thương mại của các sản phẩm tôm. Đề án tập trung đầu tư phát triển hai loài tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (litopenaeus vannamei) tại các tỉnh, thành phố ven biển điều kiện phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nước lợ.

Cụ thể, đến năm 2030, diện tích nuôi tôm nước lợ Việt Nam giữ ổn định ở mức 750.000 ha (như năm 2025), sản lượng tôm nuôi đạt trên 1.300.000 tấn; trong đó, nuôi tôm sú là 600.000 ha, sản lượng 550.000 tấn và tôm thẻ chân trắng là 150.000 ha, sản lượng trên 750.000 tấn. Chủ động gia hóa, chọn tạo và sản xuất đạt 100% số tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ phục vụ sản xuất trong nước. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 12 tỷ USD.

Để hoàn thành kế hoạch này, theo ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước, điều quan trọng là phải nâng cao hiệu quả sản xuất hơn nữa, tạo giá trị cho người nuôi và doanh nghiệp. Cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giúp giảm giá thành, chủ động nguồn giống, có những giống mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường và phù hợp với địa lý, khí hậu phát triển tại các vùng, miền; nguồn nguyên liệu thức ăn rẻ, quy hoạch vùng nuôi tập trung để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, sạch phục vụ chế biến, xuất khẩu; không phát triển nuôi tôm ồ ạt theo phong trào, chạy theo sản lượng và kim ngạch. Điều quan trọng là ngành tôm cần hướng đến việc tập trung vào lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (chất lượng và giá thành), chú trọng hơn đến khâu nuôi trồng để giúp các doanh nghiệp có nguồn cung ổn định, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tạo sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường.

>> Hiện nay, tại Ecuador, người nuôi đã ứng dụng hệ thống siêu âm thanh trong nhà kính cho giai đoạn tiền tăng trưởng và công nghệ cho ăn bằng âm thanh giúp giảm lượng thức ăn tới 30%, tỷ lệ sống tăng 50%, tăng trưởng 15%, rất nhiều trại tôm sử dụng vi sinh thay thế kháng sinh. Đây cũng là điều mà ngành tôm Việt Nam cần học hỏi.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!