Làm giàu từ nuôi chình

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là ông Võ Tuấn Tú, hiện ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ). Quê ở xã Phước Hòa – Tuy Phước, là vùng cuối nguồn sông và ven đầm Thị Nại, ông gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản từ lâu trên đất quê mình, nên có khá nhiều kinh nghiệm trong nghề.

Bước ngoặt trong cuộc đời ông là năm 1997, ông được Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh tạo điều kiện tham gia thực hiện dự án nuôi cá lóc và nuôi chình trên đầm Trà Ổ – Phù Mỹ. 4 năm làm tổ trưởng của dự án này, tuy kết quả của dự án không cao vì thực tế khó khăn còn nhiều, song đã giúp cho ông có chút vốn liếng và có thêm kinh nghiệm nuôi chình. Cùng với việc lặn lội tham khảo cách nuôi chình của nông dân ở Cà Mau, ông thấy nguồn giống sẵn có tại đầm Trà Ổ, điều kiện nuôi thuận lợi, nên ông quyết định vay mượn vốn đầu tư làm nghề mua bán chình giống và nuôi chình thương phẩm.

 

Ông Tú xuất bán chình cho khách hàng.

Để nuôi chình thương phẩm đạt kết quả tốt, ông Tú đầu tư hơn 150 triệu đồng xây dựng bài bản nhà bao che, hồ xi măng, đầu tư hệ thống cấp nước, lọc nước sinh học, hệ thống sục khí, các thiết bị đo quan trắc môi trường nước, các dụng cụ chế biến, bảo quản thức ăn, và các trang thiết bị khác khá đầy đủ… Nguồn giống là quan trọng nhất. Chình giống ông mua phải đạt 20 – 25cm/con (10 – 20 con/kg), khỏe, không trầy xước, không biểu hiện bệnh tật, đảm bảo được bắt từ vợt, lưới trũ, vó hoặc chà bổi, không phải từ câu, xung điện, nên tỉ lệ sống rất cao. Hầu hết chình giống ông mua ở vùng đầm Trà Ổ, một số đập ngăn sông trong tỉnh, và một số hồ đập ở các tỉnh lân cận.

“Biết kỹ thuật đã đành, nhưng nuôi chình phải dày công, thường xuyên theo dõi nguồn nước hồ, môi trường nước nuôi với các chỉ số phù hợp, đủ ánh sáng; luôn đảm bảo khẩu phần thức ăn đáp ứng được yêu cầu dinh dưỡng cho cá sinh trưởng, phát triển. Chình nuôi sau hơn 1 năm, trọng lượng bình quân 1 kg/con mới thu hoạch, với chi phí nặng vốn, không khéo sẽ mất cả vốn lẫn lời” – ông Tú chia sẻ.

Ông mua gom và xuất bán chình giống cho các hộ nuôi chình ở miền Tây Nam bộ; mua gom chình thịt và xuất bán; cùng với nuôi chình thương phẩm, đầu ra chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ và TP Hồ Chí Minh. Hiện giá chình giống ông mua vào bình quân 250 ngàn đồng/kg. Còn chình thịt, ông mua thả vào ao nuôi bình thường như chình nuôi sẵn trong ao, cứ đủ vài chục cân, có yêu cầu của khách hàng là ông xuất bán, bình quân mỗi tháng bán ra khoảng 50 kg.

Tổng doanh thu từ mua bán chình của ông Tú cả tỉ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi vài trăm triệu đồng. Ông đã đầu tư xây dựng một trạm trung chuyển tại TP Hồ Chí Minh, sau khi hàng vào tiến hành kiểm tra, thay nước, bơm oxy…, để cả chình giống và chình thịt đều đảm bảo chất lượng khi đến với các đầu mối có nhu cầu. Ông Tú cho biết từ nay đến hết năm 2013, ông phấn đấu xuất bán một lượng chình thịt khá lớn, đã có nơi đặt hàng, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố trong nước, và xuất sang Trung Quốc, Đài Loan…

Tạm biệt ông Tú, chúng tôi chợt nhớ đến điều ông lo lắng nhất: Có thể chình giống sẽ cạn kiệt trong một ngày không xa, trong khi chưa có một nghiên cứu nào nhân giống chình nhân tạo thành công.

Lê Kiểu - Xuân Lộc

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!