“Làng cá Ea Kao” nhộn nhịp vào mùa thu hoạch Tết

Chưa có đánh giá về bài viết

Những ngày cuối năm cũng là dịp để người dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột lại tất bật với mùa thu hoạch cá đại trà phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường giáp Tết. Đây được xem là cơ hội thu lợi nhuận cao nhất của người nuôi cá trong một năm.

Phát triển thương hiệu làng cá

Nhờ có lợi thế về nguồn nước ngầm dồi dào hồ thủy lợi Ea Kao đem lại, những năm qua bà con trong xã Ea Kao đã không ngừng mở rộng diện tích ao, hồ, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế khá, hình thành nên thương hiệu “Làng cá Ea Kao”. Ông Lê Thế Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kao cho biết: hiện toàn xã có khoảng 800 hộ nuôi cá, với trên 100 ha diện tích ao hồ các loại, chủ yếu là nuôi cá thịt thương phẩm. Bên cạnh các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác của địa phương như trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm thì việc nuôi cá cũng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao cuộc sống người dân nơi đây, trong đó có không ít các hộ là người dân tộc thiểu số. Để phát triển tiềm năng, thế mạnh của vùng, những năm gần đây xã Ea Kao đã triển khai thực hiện nhiều đề án nuôi cá hiệu quả, như mô hình nuôi cá trẽm, cá rô phi đơn tính, cá rô đầu vuông thương phẩm… Trong đó phải kể đến Dự án cạnh tranh nông nghiệp của tỉnh về phát triển nghề cá nước ngọt tập trung, thông qua Công ty TNHH MTV Đại Dũng (đóng trên địa bàn), đứng ra thành lập Liên minh nuôi trồng thủy sản Ea Kao, với 90 hộ dân trong xã tham gia. Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ từ dự án về giống, kỹ thuật nuôi cá cho bà con thì đầu ra của sản phẩm cũng được đơn vị này bao tiêu. Hằng năm, người nuôi cá ở Ea Kao luôn nhận được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật thông qua các dự án đầu tư, hội thảo đầu bờ; đồng thời chính quyền địa phương cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành chức năng mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật nuôi cá để bà con mở rộng, nâng cao kiến thức về nuôi trồng thủy sản. Đối với bà con nơi đây, việc nuôi cá thịt thương phẩm không vất vả như nuôi, trồng các loại cây, con khác, mà lãi cao gấp 2 – 3 lần. Nguồn thức ăn của cá chủ yếu là thức ăn viên tổng hợp bán trên thị trường khá phong phú, ngoài ra còn cho ăn thêm các loại rau, củ quả sẵn có trong mỗi gia đình, chỉ cần có diện tích ao hồ phù hợp và nắm vững kỹ thuật là nuôi cá sẽ trở nên rất đơn giản, cá lớn nhanh, ít dịch bệnh, lợi nhuận cao. Với diện tích khoảng 250 – 300m2/ao, bà con có thể nuôi xen nhiều loại cá truyền thống khác nhau như chép, rô phi, trắm; đồng thời mở rộng thêm diện tích nuôi các loại cá mới được thị trường ưa chuộng như cá rô đầu vuông, cá chẽm, diêu hồng…vừa để tiết kiệm diện tích chăn nuôi, đỡ tốn chi phí thức ăn mà hiệu quả cao, cá có thể bán quanh năm, hết lứa này đến lứa khác. Nhờ nuôi cá hiệu quả, đời sống người dân nơi đây đang đổi thay rõ rệt từng ngày, hộ nghèo hằng năm giảm đáng kể, thu nhập bình quân trên đầu người khá cao (khoảng 20 triệu đồng/người/năm). Nhiều hộ làm giàu nhờ nuôi cá, như hộ ông Nguyễn Thi Sách, chị Đặng Thị Tuyết ở thôn 4, Nguyễn Thị Lan ở thôn 2… mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Người dân xã Ea Kao đánh bắt cá để bán trong những ngày cận Tết Nguyên đán. 

Người dân xã Ea Kao đánh bắt cá để bán trong những ngày cận Tết Nguyên đán. 

Chuẩn bị mùa thu hoạch Tết

Nghề nuôi cá thịt thương phẩm thường có sản phẩm bán quanh năm, nhưng có lẽ dịp giáp Tết Nguyên đán lại được xem là mùa thu hoạch chính và bội thu nhất của người dân nơi đây. Vì vậy, những ngày này hầu khắp các trại cá Ea Kao, bà con đang ra sức tập trung vỗ béo cá và đánh bắt rải đàn để xuất bán những lứa cá cuối cùng của năm, trước hết là trong dịp Tết Ông Táo – ngày 23 tháng Chạp. Để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người dân mua cá chép về phóng sinh, “Làng cá Ea Kao” đồng loạt ươm nuôi thêm loại cá này để xuất bán ra thị trường. Chị Lê Hồng Hà ở thôn 4 cho hay: khác với những năm trước, năm nay cá chép có nhiều loại phong phú hơn, ngoài những giống truyền thống, bà con nơi đây còn lai tạo được những loại cá chép khác nhau có đuôi, vây dài và nhiều màu sắc bắt mắt như vàng, đỏ, trắng… Vì vậy ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, gia đình chị đã thả khoảng 1.000 con cá chép giống các loại để bán trong dịp Tết Ông Táo này, với đủ các kích cỡ vừa phải từ 50gam đến nửa kg/con. Cá chép cũng được các thương lái về tận nơi mua cao hơn cùng thời điểm năm ngoái từ 1.000 – 3.000 đồng/con để đưa ra các huyện, thị trong tỉnh và một số tỉnh khác như Gia Lai, Dak Nông, Bình Dương, Phú Yên…

Cùng với việc chuẩn bị cá chép cho dịp Tết Ông Táo thì những ngày cận Tết Nguyên đán này, thị trường tiêu thụ cá thịt cũng rất rộng rãi, khiến “Làng cá Ea Kao” trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Mùa thu hoạch cá Tết thường kéo dài từ khoảng đầu tháng 12 âm lịch đến hết chiều 30 Tết. Những ngày giáp Tết, thương lái các nơi đã kéo nhau về mua cá đưa đến các chợ bán. Tuy nhiên không phải loại cá nào cũng được người tiêu dùng lựa chọn, bởi theo quan niệm hiện nay, bên cạnh các món ăn ngày Tết như “thịt mỡ – dưa hành – bánh chưng xanh”… thì trên bàn thờ cúng Tổ tiên phải luôn có đĩa cá. Những loại cá Chép, Trôi, Trắm, Diêu hồng, được xem là sẽ đem lại may mắn cho gia chủ trong năm mới, từ đó giá bán các loại cá này cũng cao hơn ngày thường trong năm từ 0,5 – 2 lần (nếu ngày thường, các loại cá nói trên chỉ bán từ 25.000 – 35.000 đồng/kg thì dịp cuối năm này giá bán lên đến 45.000 – 60.000 đồng/kg). Vì thế, ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, thương lái khắp nơi đã về tận ao của người dân xã Ea Kao để đặt cọc tiền mua cá, khi chưa đến ngày thu hoạch – anh Y Khun Niê, ở buôn Bông cho biết.

Lê Thành

Báo Dak Lak điện tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!