Lãng phí lớn từ dự án nuôi trồng thủy sản ở Hà Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Với mục đích trở thành nơi ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo ra vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung, sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh, từ những năm 1999 – 2000, khu nuôi trồng thủy sản tập trung được tỉnh Hà Nam xây dựng tại xã Ðức Lý, huyện Lý Nhân.

Trạm bơm xã Ðức Lý nằm trong khu dự án được đầu tư song không được sử dụng, đang dần xuống cấp.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều hạng mục được đầu tư dang dở rồi bị bỏ hoang gây lãng phí tiền của nhà nước và bức xúc trong nhân dân.

Dự án nuôi trồng thủy sản xã Ðức Lý là một trong năm dự án nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh Hà Nam được hỗ trợ từ nguồn vốn của chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản quốc gia giai đoạn 1999-2000 và các nguồn vốn huy động của địa phương. Dự án có tổng diện tích 73,14 ha, tổng vốn đầu tư 22 tỷ đồng, xây dựng 61 ao nuôi, đường giao thông, kênh mương…

Từ năm 2006 đến năm 2010, nhiều hạng mục của dự án được đầu tư xây dựng như: Trạm bơm Ðức Lý, trạm điện, đường điện hạ thế dọc các trục đường; tuyến kênh kiên cố chính… Sau khi hoàn thành, các công trình nêu trên được bàn giao cho UBND xã Ðức Lý quản lý. Toàn bộ các hạng mục đã xây dựng đều thuộc phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước với số tiền gần 12 tỷ đồng trong số 22 tỷ đồng tổng vốn đầu tư. Số tiền đầu tư xây dựng lớn như vậy, nhưng sau tám năm công trình hoàn thành và bàn giao lại cho địa phương, nhưng không được đưa vào sử dụng. Công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của người dân địa phương.

Xót xa trước khối tài sản lớn bị bỏ hoang, ông Trần Văn Việt, thôn Nội, xã Ðức Lý cho biết: Lúc mới triển khai dự án, người dân rất ủng hộ, nhiều hộ dân có đất trong khu vực còn sẵn sàng hiến đất để làm các công trình. Nhưng từ khi bàn giao cho địa phương đến nay, công trình không hoạt động ngày nào, chỉ chạy thử máy ít phút rồi khóa cửa để đấy. Cửa, thiết bị trong khu vực hầm máy mất dần. Hệ thống dẫn nước được người dân sử dụng sang các việc khác và một số thiết bị bắt đầu xuống cấp.

Quyết định số 691, năm 2006 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản thâm canh xã Ðức Lý có hai phần. Phần đầu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, đại diện là Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình phát triển thủy sản Trung ương. Phần 2 giao UBND xã Ðức Lý là chủ đầu tư xây dựng các công trình nội đồng từ các nguồn khác. Phần việc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao đã hoàn thành, còn phần đầu tư xây dựng các công trình nội đồng do UBND xã Ðức Lý làm chủ đầu tư không thực hiện được do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân từ việc người dân chưa thống nhất việc cho thuê ruộng để đào ao nuôi cá theo đúng quy chuẩn của dự án. Không thực hiện được đúng quy hoạch, nhất là với việc đào đắp diện tích ao nuôi, khiến dự án chưa đi vào hoạt động.

Vì thế, đến năm 2017, theo quy hoạch nông nghiệp mới của tỉnh Hà Nam, khu nuôi trồng thủy sản tập trung ở xã Ðức Lý bị loại bỏ khỏi vùng quy hoạch thủy sản của tỉnh và được đề nghị chuyển đổi.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Ðức Lý Nguyễn Ðức Ngọc cho biết: Theo quy mô mà dự án xây dựng, khi các hộ đào ao phải đủ diện tích 1 ha trở lên. Ðể có diện tích ấy, các hộ dân phải tự liên kết dồn đổi ruộng đất cho nhau. Trong quá trình thực hiện dồn đổi, người dân đã không thống nhất được các phương án, trong khi kinh phí đầu tư cho một ao nuôi thả thủy sản là rất cao. Từ khi hoàn thành đến nay, công trình chưa phát huy hiệu quả. Các hạng mục khi hoàn thành không được sử dụng đã xuống cấp như trạm bơm, kênh mương, đường điện. Ðể dự án có thể mang lại hiệu quả thì cần đầu tư tu sửa đường điện cũng như kênh mương. Nguyên nhân chính dẫn đến dự án không thực hiện được là do các hộ dân không có điều kiện về nguồn vốn. Nguồn vốn đối ứng của xã chủ yếu là huy động trong dân, chứ xã cũng không có vốn.

Ngành nông nghiệp (đơn vị được giao chủ đầu tư dự án) cho rằng việc đầu tư của mình thì đã xong; không khai thác được là do địa phương. Ðịa phương lại có lý do là không có kinh phí để đối ứng và nguyên nhân cuối cùng được quy là do người dân không tìm được tiếng nói chung, không có sự đồng thuận. Vậy, sau gần 10 năm, số tiền gần 12 tỷ đồng Nhà nước đầu tư ai chịu trách nhiệm?

Bài và ảnh: Đào Phương

Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!