Lào Cai bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng quy ước, hương ước của thôn, bản

Chưa có đánh giá về bài viết

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai vừa có đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo, định hướng người dân đưa các quy tắc về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành quy ước, hương ước của thôn, bản.

Lào Cai thả gần 50.000 cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: baolaocai.vn

Đây là việc làm nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn, khôi phục các loài thủy sản quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế trên các lưu vực sông, hồ chứa tại bãi đẻ tự nhiên (bãi đẻ Quốc gia) trên địa bàn tỉnh Lào Cai tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương sống ven các sông, hồ chứa.

Lào Cai có mạng lưới sông, suối, hồ chứa tương đối nhiều, đặc biệt có sông Hồng và sông Chảy ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thủy sản sinh sản, bảo tồn và phát triển phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển thủy sản, khai thác thủy sản của người dân sống trên các lưu vực sông, suối, hồ chứa.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản tạo sinh kế bền vững cho nhân dân, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, tại văn bản số 1631/SNN-CNTY về tăng cường phối hợp quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên sông, hồ chứa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã yêu cầu Chính quyền cấp cơ sở định hướng người dân đưa các quy tắc về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành quy ước, hương ước của thôn, bản để người người hiểu và thực hiện.

Hương ước là tập hợp các quy tắc xử sự chung mang tính tự quản do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội, qua đó giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa, hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Vì vậy, việc đưa nội dung bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào quy ước, hương ước của thôn, bản nhằm tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng trong hoạt động duy trì, ổn định môi trường thủy sinh, đa dạng sinh học các thành phần loài…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Lào Cai đề nghị chính quyền các địa phương rà soát, lập danh sách các đối tượng khai thác thủy sản bằng phương tiện hủy diệt để tuyên truyền, vận động và quản lý, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với cộng đồng dân cư sinh sống trong lưu vực sông, hồ chứa, đặc biệt các hộ dân làm nghề khai thác thủy sản để họ hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xây dựng và phát triển các mô hình quan trắc môi trường, bảo tồn, quản lý các bãi đẻ tự nhiên để tăng số lượng, đa dạng thành phần loài các loài thủy sản tại các thủy vực tự nhiên; đồng thời, đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý thủy sản trên địa bàn huyện, xã để tham mưu tốt việc  quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Lào Cai định kỳ phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ chứa để lan tỏa thành phong trào cộng đồng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Qua đó, hướng dẫn người dân thả các loài cá bản địa, cá đặc sản có giá trị kinh tế cao (tuyệt đối không thả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại).

Mới đây, vào trung tuần tháng 8, tại khu vực đền Thái Bo, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai và UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản với trên 5 vạn con cá giống (trắm, chép, mè, trôi, chày mắt đỏ) được thả ra sông Hồng.

Hương Thu

Theo DTMN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!