Lào Cai: Hướng đến phát triển thủy sản an toàn, bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm gần đây, ngành thủy sản phát triển mạnh cả về diện tích mặt nước, năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế và dần khẳng định vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tiềm năng lớn

Mặc dù là tỉnh miền núi nhưng Lào Cai có hơn 18.000 ha mặt nước nên rất thuận lợi để phát triển thủy sản theo nhiều hình thức, như nuôi ở ao, hồ nhỏ, ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả, nuôi lồng, nuôi trong bể… Để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển theo hướng nâng cao giá trị, bền vững, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật cho người dân và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.

Xuất bán cá giống tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản cấp I Phú Nhuận (Bảo Thắng)

Theo số liệu của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có gần 2.100 ha ao, hồ nhỏ nuôi thủy sản; hơn 54.000 m3 bể nuôi cá nước lạnh; gần 500 lồng bè nuôi cá trên sông và hồ chứa với thể tích khoảng 15.000 m3. Năm 2018, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt gần 7.400 tấn, trong đó cá nuôi ao hồ nhỏ đạt 6.547 tấn; cá nước lạnh nuôi bồn, bể đạt 500 tấn; cá nuôi lồng bè trên sông đạt 221 tấn; cá nuôi hồ chứa mặt nước lớn và khai thác trên một số lưu vực hồ chứa lớn của tỉnh cùng hệ thống sông Hồng, sông Chảy đạt 142 tấn. Năm 2019, ước sản lượng thủy sản đạt hơn 8.700 tấn, giá trị khoảng 350 tỷ đồng…

Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh cho biết: Những năm qua, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã cùng các địa phương huy động nguồn lực, tạo thuận lợi để người dân đầu tư phát triển các vùng nuôi thủy sản theo phương thức quảng canh cải tiến, thâm canh và thâm canh tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích ruộng trũng sản xuất kém hiệu quả sang nuôi thủy sản.

Hiện nay, phương thức nuôi thâm canh, thâm canh tập trung chiếm hơn 30% diện tích ao, hồ nhỏ toàn tỉnh (630 ha) và chủ yếu ở các địa phương như thị trấn Nông trường Phong Hải, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng); các xã Quang Kim, Cốc San, Bản Qua (Bát Xát); Liêm Phú, Văn Sơn (Văn Bàn); Minh Tân, Lương Sơn (Bảo Yên); Đồng Tuyển, Tả Phời (thành phố Lào Cai). Diện tích nuôi cá nước lạnh với phương thức thâm canh hoàn toàn và đối tượng nuôi là cá hồi, cá tầm đến nay đã phát triển ở 6/9 huyện, thành phố (Sa Pa, Bát Xát, thành phố Lào Cai, Văn Bàn, Bắc Hà, Bảo Yên), nhưng tập trung chủ yếu ở huyện Sa Pa và huyện Bát Xát. Hình thức nuôi cá lồng cũng từng bước hình thành và phát triển ở một số huyện như Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà… Điều đáng mừng là giờ đây, người nuôi thủy sản trong tỉnh đã chủ động từ việc ứng dụng công nghệ, thực hiện đúng quy trình sản xuất, tìm nguồn thức ăn nuôi, đến phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi…


Để ngành thủy sản phát triển bền vững

Mặc dù ngành thủy sản của tỉnh đã có bước phát triển, góp phần tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động và giúp người dân nâng cao đời sống nhưng để phát triển bền vững, các địa phương đang phải giải quyết một số khó khăn, thách thức như vấn đề về quy hoạch, hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, việc thẩm lậu giống thủy sản từ Trung Quốc, một số cơ sở còn sử dụng thuốc cấm trong nuôi thủy sản, dịch bệnh, thị trường không ổn định…

Người dân thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) kiểm tra ao nuôi

Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cơ sở sản xuất, ương nuôi giống thủy sản, gồm 7 cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ấm và 8 cơ sở sản xuất thủy sản nước lạnh (trong đó 3 cơ sở của nhà nước, 12 cơ sở tư nhân). Các cơ sở sản xuất của nhà nước đều được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Bên cạnh sản xuất giống thủy sản truyền thống, các cơ sở còn sản xuất và cung ứng các giống mới có giá trị kinh tế phục vụ nuôi thâm canh, thâm canh tập trung như cá chép V1, cá bỗng, cá lăng chấm, cá nheo vàng, cá chiên, cá hồi, cá tầm. Hiện nay, các cơ sở sản xuất, ương nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng khoảng 65% nhu cầu giống trong tỉnh, số con giống còn lại, người dân mua của các thương lái từ nơi khác chuyển đến. Lượng giống này hầu như chưa được cơ quan chuyên môn quản lý hoặc kiểm tra chất lượng.

Theo kỹ sư Đỗ Thành Luân, Trại trưởng Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản cấp I Phú Nhuận (Bảo Thắng), con giống thủy sản là điều kiện tiên quyết cho thành công của mỗi vụ nuôi. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng, sạch bệnh cho các hộ nuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh, những năm qua, đơn vị không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật lai tạo, chọn lọc các giống chất lượng, đồng thời nghiên cứu, khảo nghiệm các giống mới, giống đặc sản. Hiện mỗi năm, đơn vị sản xuất khoảng 4 triệu con giống (đạt 80% công suất của đơn vị), trong đó 3 triệu con phục vụ người nuôi trong tỉnh, 1 triệu con giống bán ngoài tỉnh (chủ yếu là cá chép).

Ông Đỗ Thành Luân cũng khuyến cáo, người dân nên lựa chọn mua con giống thủy sản ở những cơ sở sản xuất uy tín trong tỉnh, bởi điều kiện sản xuất giống được các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên và đặc biệt đã thích nghi với môi trường sống nên sẽ có sức đề kháng tốt với dịch bệnh và tăng trưởng nhanh…

Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản hiện nay cũng đang là vấn đề đặt ra. Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cơ sở chế biến thủy sản lớn, mới có một vài cơ sở nhỏ chế biến ruốc cá hồi ở Sa Pa, chưa đáp ứng được nhu cầu bao tiêu sản phẩm thủy sản cho các hộ nuôi. Việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản chủ yếu bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua hệ thống các chợ. Đây là kênh tiêu thụ chủ yếu do các hộ sản xuất hoặc thương nhân đảm nhiệm, vì vậy chưa tạo được sự liên kết giữa sản xuất với lưu thông nên không ổn định, khó quản lý chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, các ngành liên quan và các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch phát triển thủy sản, nhất là nuôi cá nước lạnh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn con giống, thức ăn, thuốc và hóa chất trong nuôi thủy sản; tiếp tục khuyến khích phát triển mở rộng diện tích nuôi thâm canh, thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật vào các khâu trong chuỗi sản xuất từ giống, thâm canh đến thu hoạch và phấn đấu thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản trên sản phẩm sau khi được đưa ra thị trường tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào liên kết với người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản; bảo vệ và bảo tồn nguồn gen của các loại thủy sản quý trên địa bàn tỉnh…

Viết Vinh

Theo Báo Lào Cai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!