T2, 06/07/2020 12:36

Lao đao vì không có bảo hiểm

Chưa có đánh giá về bài viết

Hàng loạt tàu ở Bình Định bị chìm trong đợt lũ vừa qua. Và điều khá bất ngờ, đó là các tàu đều có công suất gần 300 CV, nhưng không có tàu nào mua bảo hiểm.

Thuyền trưởng Nguyễn Trực trắng tay vì không mua bảo hiểm tàu cá

Thuyền trưởng Nguyễn Trực trắng tay vì không mua bảo hiểm tàu cá

Đêm 15/12, toàn bộ 15 tàu cá bị lũ trên nguồn cuốn trôi ra khỏi cửa biển và bị sóng đập nát. Vào lúc đứng giữa khung cảnh ngổn ngang đó, nhiều người đã nói át tiếng sóng để hỏi các thuyền trưởng “có bảo hiểm không vậy?”. Các thuyền trưởng hốt hoảng vì bị mất tàu tiền tỷ. Đến khi nghe hỏi “bảo hiểm” thì nhiều người càng chột dạ và thốt lên: “Lỡ rồi, coi như không còn gì hết”.

Tại khu vực đầu bãi biển Đề Gi, thuyền trưởng Võ Văn Thắm đứng bên con tàu cá BĐ 93355 TS và cho biết: “Hồi giờ không mua bảo hiểm, cũng không biết mua bảo hiểm tàu cá cỡ bao nhiêu tiền. Không có bảo hiểm nên bây giờ tàu bị mắc cạn còn phải tốn thêm nhiều tiền thuê mướn”.

Hỏi nguyên nhân vì sao không mua bảo hiểm, trong khi tàu cá có công suất 90 CV, từ năm 2011 nâng cấp lên 230 CV. Anh Thắm cho biết, hầu hết các tàu đang bị nạn ở đây chả ai mua bảo hiểm thân tàu, bà con chỉ quen mua bảo hiểm thuyền viên. Câu nói cuối cùng của anh về chuyện bảo hiểm, đó là “giờ chỉ biết bóp bụng chịu và mong ân huệ của Nhà nước”.

Cách tàu cá của anh Thắm vài trăm mét là cảnh các ngư dân đang đục đẽo để tháo rã đống xác tàu, chở về nhà làm củi. Con tàu cá BĐ 93141 TS của thuyền trưởng Nguyễn Trực dài gần 16 mét, rộng 4,2 mét, công suất máy 275 mã lực, tổng trị giá 1,4 tỷ đồng đã biến thành củi vụn.

Thuyền trưởng Thắm lắc đầu buồn bã khi nghe hỏi đến bảo hiểm tàu cá. Vì sao con tàu trị giá hơn 1 tỷ đồng nhưng lại không mua bảo hiểm? Nghe hỏi, thuyền trưởng Trực cho biết, chỉ quen mua bảo hiểm cho thuyền viên. Khi hỏi tại sao không mua bảo hiểm tàu cá, mức bảo hiểm tàu cá có cao hay không thì phần lớn các thuyền trưởng đều cho biết: “Cũng không biết có cao hay không. Vì hồi giờ bà con không mua bảo hiểm tàu cá”.

Theo Nghị định 67 của Chính phủ, tàu cá có công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV khi mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên mỗi tàu (bảo hiểm mọi rủi ro) được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm đến 70%; những tàu thuyền có công suất trên 400 CV, phí hỗ trợ là 90%. Cạnh đó, các thuyền viên đi tàu được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên 100%. Vậy nhưng cả đoàn tàu bị nạn ở Đề Gi, phần lớn không mua bảo hiểm.

Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh, tỉnh Bình Định cho biết: “Riêng Bảo Minh cũng tuyên truyền nhiều rồi. Chúng tôi là đơn vị kinh doanh nên mong ngư dân mua bảo hiểm. Tuy nhiên, ngư dân vẫn không mặn mà. Trước đây một số tàu mua bảo hiểm là do vay ngân hàng, vì vậy ngân hàng bắt buộc phải mua, nên mới bán được bảo hiểm tàu”.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!