T2, 06/07/2020 01:06

Lao động biển Quảng Ngãi: Kẻ đỏ mắt tìm, người xa xứ

Chưa có đánh giá về bài viết

Ở các làng biển tỉnh Quảng Ngãi lực lượng lao động biển vẫn tiếp tục khan hiếm khi nghề biển ngày càng khó khăn, số ít tại các địa phương ngư dân ly hương xuất khẩu lao động.


Ngư dân lđng chđi ven biển chuẩn bị vươn khơi vụ cá chính trong năm Ảnh: NT

Đỏ mắt tìm ngư dân

Tỉnh Quảng Ngãi có số lượng tàu thuyền lớn nhất cả nước với hơn 5.572 tàu, trong đó tàu từ 90 CV trở lên có 3.381 chiếc, tổng công suất 1,54 triệu CV, với cơ cấu nghề đa dạng như lưới kéo, câu, lưới vây, lưới rê và các nghề khác.

Theo ghi nhận, từ những ngày tháng 3, chủ tàu khắp nơi tất bật lo tìm lao động biển, nhiều chủ tàu dù đã “đặt cọc” trước ngư dân gần 2 – 3 tháng vẫn không có thuyền viên, vì lao động “nhảy tàu”.

Chủ tàu Nguyễn Thành Ninh cùng vợ Nguyễn Thị Phụng (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đang lo lắng vì không có lao động. Bà Phụng cho biết: “Đầu năm hai vợ chồng đi vào tận Nha Trang, Khánh Hòa tìm ngư dân đi biển cùng thì tìm được khoảng 10 người, đặt cọc họ đi biển gần 10 triệu/người, thế nhưng đến lúc xuất phát thì gọi điện không thấy đâu”. Theo bà Phụng, mỗi tàu thường có cố định chủ tàu, thuyền trưởng và người phụ nấu ăn, còn lại lao động trên tàu là đi thuê. Hiện vợ chồng bà chỉ còn 4 người từ An Giang lên giúp đỡ. Anh Huỳnh Toàn, một ngư dân ở An Giang, đi biển cùng ông Ninh, chia sẻ: “Tôi đi biển gần 3 năm nay, nghề biển ở Quảng Ngãi cho thu nhập cao hơn nên tôi cùng vài người bạn ra Bình Châu hành nghề”.

Ông Trương Đình Thống (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) hành nghề câu, thế nhưng cũng đến đầu tháng 3, ông mới xuất bến. Ông Thống cho biết: “Trước khi xuất bến, tôi phải chuẩn bị lao động biển gần cả tháng, phải cho họ ứng trước 5 – 10 triệu thì họ mới chấp nhận đi cùng. Việc tìm lao động biển là rất khó khăn, có khi tìm được nhưng đến lúc đi, họ bỏ tàu sang chủ khác vì trả cao hơn. Lao động biển dù đổ về Quảng Ngãi rất đông thì vẫn theo quan điểm tàu làm ăn khá thì theo, tàu nghèo thì bỏ”.

Ông Lê Minh Đức, Trưởng phòng Khai thác, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết: “Bình quân mỗi năm Quảng Ngãi có 38.000 lao động trực tiếp sản xuất trên biển, tuy nhiên số lượng tàu của tỉnh là quá lớn, dù lao động tới hàng ngàn vẫn không đủ. Dẫn đến lao động biển thường chỉ chọn đi các tàu làm ăn đạt, riêng nhiều tàu nhỏ thường nằm bờ vì thiếu lao động biển. Ngoài lao động biển ở tỉnh, các tàu cá còn tiếp nhận hơn 50% số lao động biển từ các địa phương khác như Khánh Hòa, Phú Yên…”.

Ngư dân xuất ngoại

Lao động biển “quý như vàng”, khi tàu cá càng nhiều, lao động càng có sự lựa chọn.  Được “mời” với thu nhập cao, nhiều ngư dân vẫn chọn hướng “xuất khẩu lao động” vì thu nhập cao gấp đôi…

Xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, được mệnh danh là “làng xuất ngoại” mỗi năm có thêm hàng chục ngư dân sang Nhật Bản, Hàn Quốc làm nghề biển. Theo thống kê của UBND xã Tịnh Kỳ, năm 2018 có thêm 40 ngư dân đăng ký xuất ngoại, tăng hơn so năm 2017. Ngư dân khi xuất ngoại có điều kiện ổn định đời sống, nâng cao tay nghề, làm việc có khoa học, tuy nhiên điều này cũng dẫn đến lao động biển cung ứng trực tiếp tại địa phương giảm và đi thuê từ nơi khác.

Anh Võ Văn Chuyên (42 tuổi, xã Tịnh Kỳ) vừa trở về từ Hàn Quốc, anh Chuyên bắt đầu “xuất ngoại” từ năm 2017, hợp đồng lao động 4 năm. Trong 3 tháng đầu, anh tham gia học tiếng Hàn tại Hà Nội, toàn bộ chi phí gần 330 triệu. Anh nói: “Mỗi tháng thu nhập tại Hàn Quốc là 26 triệu VNĐ/tháng, so với đi làm thuê cho các tàu ở quê thì thu nhập cao hơn gấp đôi và ổn định. Chỉ trong 1,5 năm là có thể trả hết nợ, ngoài ra, cứ hết mùa biển thì chúng tôi được về quê 2 tháng”.

Ông Nguyễn Sinh, trưởng thôn Kỳ Xuyên chia sẻ: “Đầu năm đã có thêm 2 người đi nước ngoài, hiện tại đang có giấy xuất ngoại cho 10 ngư dân ở làng. Ngư dân đi nghề biển ở nước ngoài thu nhập cao, ở Nhật Bản đến 20 – 30 triệu/tháng, hầu hết đi về đều xây mới nhà cửa, đời sống khấm khá”. Toàn thôn có 533 hộ, trong 3 năm trở lại đây, đã có 141 ngư dân xuất khẩu lao động, kỳ hạn 4 – 5 năm.

Ông Lê Minh Đức, cho biết: “Nghề biển ngày càng khó, ngư dân chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Việc ngư dân chọn xuất khẩu lao động hay đi biển ở địa phương đều là dựa theo cơ chế thị trường, phát triển đời sống ngư dân”.

>> Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi cho biết, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là cần có quy định về số lượng tàu đóng mới, ưu tiên phát triển các tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ và tiến tới giảm dần các tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ để đảm bảo nguồn lợi thủy sản và cân đối giữa lao động nghề biển phù hợp với số lượng tàu thuyền.

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!