Liên kết để nghề nuôi tôm phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh vừa được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau tổ chức sáng nay, ngày 28/8, nhận được sự quan tâm của gần 130 giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học cùng đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người nuôi tôm siêu thâm canh trong và ngoài tỉnh.

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 1.842 ha nuôi tôm siêu thâm canh của 1.740 hộ.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau không những mở rộng về diện tích, phát triển nhiều loại hình nuôi mà còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập trung đầu tư công nghệ tiên tiến vào nuôi siêu thâm canh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ khoảng 100 ha nuôi tôm siêu thâm canh ở năm 2006, hiện đã tăng lên 1.842 ha; năng suất bình quân đạt từ 30 – 50 tấn/ha/vụ. Cá biệt có nơi đạt trên 100 tấn/ha/vụ, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 85%; đóng góp khoảng 15% tổng sản lượng tôm nuôi trong toàn tỉnh, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 350 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1,1 tỷ USD. Theo dự báo, loại hình nuôi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, có khả năng đạt 5.000 ha vào năm 2020 và đạt 10.000 ha vào năm 2030. 

Tuy nhiên, hiện loại hình nuôi này đang tồn tại nhiều quy trình nuôi khác nhau, chưa có quy trình chuẩn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Qua kiểm tra thực tế, có đến 50% diện tích và số hộ nuôi không đáp ứng các điều kiện nuôi theo quy định. Nạn xả thải từ các ao nuôi trực tiếp ra môi trường bên ngoài chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm, dịch bệnh lây lan, đoe dọa đến tính bền vững của nghề nuôi tôm. 

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam khẳng định, con tôm luôn là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Kim ngạch xuất khẩu cả nước những năm gần đây luôn đạt 3-4 tỉ USD/năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đã đóng góp trên 1,1 tỷ USD, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng cho rằng, Cà Mau là tỉnh có nhiều thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,1 tỉ USD vào sau năm 2021 thì cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó, cần lấy công nghệ cao làm phương châm phát triển bền vững, giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất.

Một tồn tại khó xử lý hiện nay của nghề nuôi tôm ở Cà Mau là chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y – thủy sản, giá cả đầu vào cao, đầu ra bấp bênh dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Đặt biệt, con giống là một khâu quan trọng, quyết định đến năng suất và sản lượng. Thế nhưng, hiện nay tình trạng sản xuất con giống còn tràn lan, khó kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Của (Hai Tới), Chủ tịch Hội thủy sản tỉnh Cà Mau nhận định, hiện diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển nhanh, trong đó có không ít hộ không am hiểu quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư nên nuôi không hiệu quả. Không ít hộ có diện tích đất nhỏ, không đáp ứng các quy định nuôi, xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, công tác quy hoạch vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung triển khai đã lâu nhưng chưa được phê duyệt. Hiện vùng quy hoạch và không quy hoạch đều giống nhau. Tỉnh đang tìm giảm pháp dồn điển đổi thửa để có vùng nuôi tập trung, đầu tư hạ tầng, thu hút người nuôi tôm vào đây nuôi được thuận lợi hơn so với nuôi phân tán. Trước mắt, vùng nuôi tập trung chưa được phê duyệt, Sở NN&PTNT định hướng cho người dân biết quy hoạch và tuân thủ các quy định của vùng nuôi cũng như bảo vệ môi trường. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho hay, UBND tỉnh đang quyết liệt trong triển khai điều kiện nuôi tôm nhưng nhiều nơi còn đến 50% diện tích và số hộ nuôi không đảm bảo điều kiện nuôi. Muốn sản xuất hiệu quả thì phải liên kết ngang và liên kết dọc. Liên kết ngang là thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; liên kết dọc là tạo nên chuỗi tiêu thụ.

Trung Đỉnh

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!