Linh hoạt để giảm tổn thất trong nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, các đại biểu đều cho rằng việc triển khai thực hiện Quyết định 68 khá tích cực, nhưng vẫn chưa đồng bộ, cần một cơ chế linh hoạt hơn.

Triển khai đồng bộ nhưng chưa sâu

Báo cáo của Cục Chế biến, Thương mại Nông, lâm, thủy sản và Nghề muối cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai tích cực, bước đầu đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng sản xuất lúa hàng hóa ở ĐBSCL. Nghị quyết đã tạo bước tăng trưởng nhanh về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực canh tác và thu hoạch lúa. Vùng ĐBSCL, máy gặt đập liên hợp đạt 76% diện tích toàn vùng, nhiều tỉnh có mức độ cơ giới hóa khâu gặt cao như Long An, An Giang đạt 98%…, tổn thất khâu gặt giảm 5 – 6%, xuống còn 2%.

Chính sách hỗ trợ đã thúc đẩy người dân đầu tư mua máy, thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, nâng cấp công nghệ, thiết bị. Đồng thời, khuyến khích, thúc đẩy các cơ sở cơ khí chế tạo máy nông nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng máy móc thiết bị.  

Trong lĩnh vực thủy sản, ông An Văn Khanh, Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông, lâm, thủy sản và Nghề muối cho biết, mặc dù đã đưa ra các giải pháp về công nghệ và thiết bị bảo quản trên tàu khai thác hải sản nhưng thời gian bảo quản vẫn chỉ 10 – 12 ngày. Về tổng thể, công nghệ và thiết bị bảo quản chưa phù hợp khai thác dài ngày, vì vậy thất thoát sau thu hoạch còn cao. Mỗi năm Việt Nam đang phải chịu tổn thất 20 – 30%, chủ yếu về chất lượng; trong đó, nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất (35 – 48%); lưới vây 17,7%; lưới rê 22,8%, câu vàng 23%…

Tàu hậu cần nghề cá giúp nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác – Ảnh: Xuân Trường

 

Lãi suất tín dụng vẫn cao

 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, doanh số cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp luôn tăng qua các năm, với 474 tỷ đồng năm 2011, sau 4 năm doanh số cho vay đã 2.674 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so năm đầu triển khai. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay đến cuối năm 2014 là 1.848 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so năm đầu tiên thực hiện (dư nợ cuối năm 2011 là 472 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất 1.481 tỷ đồng, dư nợ cho vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư 367 tỷ đồng.

Mặc dù, tích cực triển khai các chính sách cho vay hỗ trợ nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu. Nguyên nhân là việc quy định danh sách, chủng loại máy, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ còn hạn chế. (Như quy định các máy sấy nông sản, thủy sản quy mô hộ nhỏ, liên hộ được hưởng hỗ trợ lãi suất; do vậy, doanh nghiệp khi đầu tư máy móc sẽ không được hưởng ưu đãi, gây ảnh hưởng đến việc mở rộng tín dụng với đối tượng khách hàng này).

Cùng đó, lãi suất tín dụng còn cao (hiện nay 9,6%/năm), trong khi mặt bằng lãi suất cho vay thương mại bình quân của ngân hàng 9 – 10%/năm, không có chênh lệch nên chưa thu hút các tổ chức, cá nhân (nhất là doanh nghiệp) đầu tư các dự án dây chuyền máy móc, thiết bị, chế tạo máy, thiết bị sản xuất nông nghiệp. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc cho vay áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư của các ngân hàng thương mại liên tục giảm qua các năm.

 

Giải pháp

Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện Quyết định 68, Bộ trưởng  NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu sửa đổi ngay Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT, bổ sung các loại máy móc cả trong lâm nghiệp, thủy sản, rau quả… để được hưởng chính sách hỗ trợ. Thực hiện Nghị quyết 48 có 13 giải pháp, song Quyết định 68 mới thể chế được 2 giải pháp. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối báo cáo về 11 giải pháp còn lại trong Nghị quyết 48 và trách nhiệm các đơn vị liên quan, để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Cùng đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 48 và Quyết định 68, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về nông nghiệp, nông thôn đến các cấp, ngành và người dân. Ngoài ra, cần xem xét lãi suất đầu tư phát triển cho đầu tư dài hạn để thực hiện các dự án bảo quản; có cơ chế, chính sách cho quy hoạch đồng ruộng để thuận lợi đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất cũng phải được tăng cường…

>> Nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện mục tiêu năm 2020 giảm 50% tổn thất đối với nông, thủy sản, cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, hợp tác công – tư, trong đó, phải đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!