Long An: Trả giá đắt vì “vượt rào” nuôi cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Đã gần 4 tháng cá tra giống giảm giá, hiện thị trường cá giống vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc, người nuôi thực sự hoang mang trước viễn cảnh lỗ nặng.

Giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh

Giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh kéo giá cá tra giống cũng đi xuống; nhiều hộ nuôi tại Long An thua lỗ nặng. Không chỉ giá cả tuột dốc mà điều đáng quan tâm hơn là phần lớn cá tra giống người dân khu vực Đồng Tháp Mười thả nuôi đều không đạt năng suất, cá bị nhiễm bệnh, tỷ lệ hao hụt rất lớn. Bình thường cá nuôi chỉ sau 3 tháng đã xuất bán được nhưng hiện vẫn có không ít ao cá dù đã kéo dài thời gian nuôi đến 5 – 6 tháng nhưng cũng chưa thể bán do nhiễm bệnh và bị thương lái ép giá. Khi cao điểm, mỗi kg cá tra giống có giá đến trên 70.000 đồng, nhưng cũng có thời điểm giảm xuống chỉ còn 30.000 đồng, thậm chí nhiều diện tích cá tra nhiễm bệnh bị thương lái ép giá xuống còn 28.000 đồng. Tính đến thời điểm hiện nay, đã gần 4 tháng kể từ khi cá tra giống giảm giá. Với tình cảnh hiện tại, may mắn lắm, các hộ nuôi cũng chỉ hòa vốn; còn lại đa số thua lỗ 50 – 100 triệu đồng/ha. Cá biệt, có hộ thua lỗ 200 triệu đồng/ha.

Từ khi manh nha đến nay diện tích cá tra giống trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng, hiện đã đạt con số gần 2.900 ha. Diện tích nuôi tập trung ở khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh, chủ yếu là các huyện: Tân Hưng, Tân Thạnh và Vĩnh Hưng. Đây là con số rất đáng báo động, bởi 3 năm trước Long An không phải là địa phương sản xuất loại thủy sản này. Đồng thời, đây còn là bài học đắt giá cho người dân về việc “vượt rào quy hoạch” nuôi, trồng tự phát.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, nguyên nhân khiến nông dân thua lỗ là do chất lượng con giống không đảm bảo. Nông dân thiếu kiến thức, kỹ thuật ương nuôi cá. Trong quá trình ương, người dân thường học tập kinh nghiệm lẫn nhau hoặc nghe theo hướng dẫn của đội ngũ tiếp thị các công ty thức ăn, thuốc thủy sản, không theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Người nuôi chưa hiểu về mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống, cách kiểm tra số lượng con giống.

Ngoài ra, không có ao xử lý nước thải trước khi xả ra bên ngoài, thiếu hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản mà sử dụng chung hệ thống thủy lợi của sản xuất lúa. Nước thải được xả trực tiếp ra kênh, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh rất cao.

Trước thực trạng trên, hiện, tỉnh Long An đang tăng cường quản lý hoạt động ương cá tra giống, rà soát vùng nuôi để có đầu tư xây dựng mô hình ương cá bột ứng dụng công nghệ cao (ương 2 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo môi trường nuôi,…); tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản cho nông dân nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng tổ chức giám sát chất lượng môi trường nước, dự báo diễn biến môi trường cũng như dịch bệnh có thể phát sinh, từ đó, có giải pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. 

Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh Long An cũng thắt chặt việc quản lỹ nguồn vật tư hóa chất cung ứng trên thị trường phục vụ nuôi trồng thủy sản theo quy định; đồng thời, củng cố liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cá tra, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Hải Băng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!