Mảng tối trong bức tranh kinh tế ĐBSCL: Đại gia thủy sản và cán bộ ngân hàng cùng “xộ khám”

Chưa có đánh giá về bài viết

Bắt đầu đổ vỡ từ năm 2012 do đầu tư vượt tầm kiểm soát, đến năm 2015, ngành chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có nhiều đại gia “xộ khám’ kéo theo nhiều quan chức ngành ngân hàng.

Đại án Phương Nam

Lớn nhất là vụ án ở Công ty CP Chế biến Thực phẩm Phương Nam (Công ty Phương Nam) tại tỉnh Sóc Trăng, được đánh giá là một “đại án tham nhũng”. Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2007 đến 2012, Công ty Phương Nam lỗ 996 tỷ đồng nhưng lập báo cáo tài chính gian dối là có lãi để vay của 8 chi nhánh ngân hàng hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, đưa vào sản xuất kinh doanh gần 6.000 tỷ, còn 10.000 tỷ “đảo nợ và trả lãi ngân hàng”. Đặc biệt, khai khống kho tôm đông lạnh để vay tiền, gây “thiệt hại” cho 5 chi nhánh ngân hàng gần 825 tỷ đồng. Khi vụ án khởi tố, kho tôm đông lạnh bán được gần 41 tỷ đồng.

Vụ án có 27 bị cáo, gồm Kế toán trưởng và Phó Giám đốc Công ty Phương Nam cùng 25 nguyên quan chức 5 chi nhánh ngân hàng. Chủ mưu là Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam Lâm Ngọc Khuân cùng con gái trốn đi nước ngoài, đang bị truy nã.

tuyên vụ đại án thủy sản phương nam

Tuyên vụ đại án Phương Nam – Ảnh: ND

Án sơ thẩm do TAND tỉnh Sóc Trăng xử, tuyên án hôm 3/8/2015 và án phúc thẩm do TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử, tuyên án sáng 11/12/2015. Án phúc thẩm y án sơ thẩm 12 và 14 năm tù với hai người ở Công ty Phương Nam; tuy nhiên, họ không phải bồi thường 679 tỷ đồng như án sơ thẩm tuyên, bởi Tòa nhận định số tiền này do cha con Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân lừa đảo ngân hàng để chiếm đoạt, “sẽ được giải quyết trong vụ án Lâm Ngọc Khuân và đồng bọn”. Còn 25 nguyên quan chức ngân hàng bị án sơ thẩm tuyên phạt mỗi người 2 – 7 năm tù, có 3 người không kháng án, số còn lại 22 người thì có 14 người bị án phúc thẩm tăng hình phạt, mỗi người 1 – 3 năm tù.

Bản án phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm hủy một phần án sơ thẩm để xử lại theo hướng tăng hình phạt với một số người không kháng cáo sơ thẩm. Đó là ông Nguyễn Thế Thắng, Nguyễn Văn Xem (nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng) và thuộc cấp Trần Văn Nhã. Bên cạnh đó, án phúc thẩm cũng đề nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Viện KSND Tối cao xem xét trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với trên 242 tỷ đồng không thu hồi được.

 

Lừa đảo An Khang

Vụ án ở Công ty TNHH An Khang tại Cần Thơ là một trong những vụ án liên quan đến đại gia thủy sản được khởi tố, bắt tạm giam người sớm nhất, vào sáng 8/9/2011. Theo hồ sơ vụ án, Công ty An Khang thành lập năm 2004 do ông Nguyễn Hồng Quân làm Giám đốc; đến năm 2009, ông Quân giao cho con gái Nguyễn Thị Thu Sương làm Phó Giám đốc, điều hành chế biến xuất khẩu thủy sản. Bà Sương cùng chồng và nhân viên lập khống hàng chục bộ chứng từ xuất khẩu và ký khống hợp đồng mua nguyên liệu để vay tiền, chiếm đoạt của nhiều ngân hàng gần 200 tỷ đồng.

Ngày 17/1/2015, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm đã tuyên án, chuyển tội danh từ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của một số người ở Công ty An Khang thành tội nhẹ hơn là “vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản”, còn các vị nguyên quan chức ngân hàng là tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

vụ án công ty tnhh an khang

Các bị cáo trong vụ án ở Công ty TNHH An Khang

Án sơ thẩm tuyên phạt 6 người ở Công ty Phương Nam: bà Sương 20 năm tù, ông Nguyễn Hồng Quân 2 năm tù treo, ông Hồ Thanh Bình (chồng bà Sương) 3 năm tù, còn 3 nhân viên khác mỗi người từ 2 năm tù treo đến 3 năm tù. Bên cạnh đó, nguyên quan chức ngân hàng: bà Trần Thị Phương (nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Trà Nóc) 10 năm tù, ông Lương Quang Minh (nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Cần Thơ – Hậu Giang) 7 năm tù. Còn 6 vị nguyên quan chức ngân hàng bị phạt mỗi người từ 3 năm tù treo đến 6 năm tù giam.

Các hành vi phạm tội cũng như thiệt hại gây ra đã rõ. Tuy nhiên, vì việc chuyển sang tội danh nhẹ mà án sơ thẩm bị kháng nghị và TAND Tối cao xử phúc thẩm, sáng 13/11/2015 đã tuyên hủy một phần án sơ thẩm, giao hồ sơ xét xử lại sơ thẩm.

Theo điều tra sơ bộ, các đại gia “lừa đảo” để vay tiền dẫn đến nguy cơ mất hơn 1.200 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Minh Hải. Vì vậy, trong vụ án này còn có 6 vị nguyên cán bộ ngân hàng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng”. Đó là các ông Trịnh Tuấn Mẫn (nguyên Giám đốc), Vũ Văn Hoan (nguyên Phó Giám đốc), Huỳnh Quang Xuân (nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu), Phan Thanh Hải và Phan Văn Toàn (đều nguyên Phó phòng Tín dụng xuất khẩu), Trần Kỳ Oanh (nguyên cán bộ tín dụng xuất khẩu).

>> Cuối tháng 12/2015, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an phối hợp với Cảnh sát Hoàng gia Vương quốc Campuchia bắt được Phan Xuân Minh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Minh Châu và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Ngọc Châu (đều đặt tại Cà Mau), sau hơn 1 năm trốn lệnh truy nã.

Ngọc Huyền

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!