Minh bạch đến đâu?

Chưa có đánh giá về bài viết

LTS: Lâu nay, người ta vẫn hay nói đến những vấn đề của lĩnh vực nuôi tôm, trong đó, nhấn mạnh đến trách nhiệm người nuôi trong việc tuân thủ các quy định về thả nuôi, lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật, sử dụng kháng sinh, hóa chất… Tuy nhiên, chưa thấy nói đến trách nhiệm của cán bộ quản lý, đặc biệt khi sự cố xảy ra. Đấy là lý do khiến nhiều người nuôi tôm bất bình.

Thế nào là con giống chuẩn?

Đây là trăn trở của nhiều người nuôi tôm khi phản ánh về Ban KHKT của Tạp chí Thủy sản Việt Nam, trong đó, bác Huỳnh Văn Lợi (Bến Tre) thắc mắc: Tại sao cơ quan chức năng khẳng định tôm giống trôi nổi còn nhiều trên thị trường mà không tìm ra được. Để khi tôm chúng tôi nuôi chết mới kết luận như vậy?

Thực trạng này xảy ra tại hầu hết các địa phương nuôi tôm hiện nay. Bởi việc tìm mua được con giống đạt chuẩn không đơn giản.

Ông Lê Văn Kiểm (thôn Thu Xà, xã Hòa Nghĩa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: Muốn thả tôm phải liên hệ với các trại giống ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, nhưng từ khi liên hệ đến lúc có giống phải mất 10 – 15 ngày. Tôm giống đi đường dài nên đến nơi là bị mất sức, thả xuống hồ nuôi bị thất thoát lớn. Muốn bảo toàn con giống chỉ có cách chuẩn bị hồ, và sục khí sẵn, giống về đến nơi là thả, nhưng như vậy rất tốn công và chi phí lớn.

Hiện nay, việc xác định tôm giống chất lượng của bà con phần lớn dựa vào “uy tín” các đơn vị sản xuất, với tiêu chí, như: có nhà xưởng, địa chỉ rõ ràng… Tuy nhiên, người nuôi tôm cũng không dám chắc là chất lượng tốt, chỉ có thể trông chờ vào… may rủi.

Trước báo động về tình hình dịch bệnh tôm nuôi, ngành nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp để loại trừ tôm giống kém chất lượng, song vẫn chưa thực hiện được.

Theo một số chuyên gia trong ngành, có nhiều nguyên nhân khiến cho tôm nuôi bị chết, trong đó “vai trò” của tôm giống không nhỏ. Nghề nuôi tôm phát triển rầm rộ đã hàng chục năm, nhưng công tác quản lý sản xuất, chất lượng, lưu hành… tôm giống từ trước đến nay hầu hết dựa vào văn bản mang tính “chữa cháy”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Thừa Thiên – Huế cho rằng, vẫn nhiều người dân mua tôm giống giá rẻ, giấy chứng nhận một lô còn tôm giống lại bắt một lô. Khi họ có giấy kiểm dịch rồi thì ngành chức năng không thể bắt họ đưa giống đi kiểm dịch PCR lần nữa.

Theo Nghị định 33 của Chính phủ năm 2005 về hướng dẫn pháp lệnh thú y, khi tôm giống nhập về tỉnh nào thì tỉnh đó chỉ được kiểm tra đối chứng trên giấy tờ, bao bì, mẫu mã, số lượng, kích cỡ và kiểm tra bằng mắt thường. Cán bộ kiểm dịch chưa thể lấy từng mẫu tôm xét nghiệm trên máy chuyên dụng để phát hiện xem tôm đã thật sự đạt chất lượng hay chưa vì thời gian không cho phép, lực lượng mỏng trong khi lượng tôm về quá nhiều.

Không ít trường hợp người nuôi ngậm trái đắng khi mua phải tôm giống có thương hiệu bị làm giả, phải trả chi phí cao trong khi tôm chết vẫn hoàn chết. Nhưng theo các cơ quan quản lý, rất khó để ngăn chặn tình trạng này!

Người nuôi băn khoăn trước nhiều sản phẩm thức ăn cho tôm – Ảnh: Nam Anh

 

Thuốc, thức ăn – Làm sao phân biệt hàng giả?

Thuốc thú y, thức ăn được coi là các sản phẩm hỗ trợ quan trọng trong suốt quá trình nuôi trồng thủy sản nói riêng, nuôi tôm nói chung, tuy nhiên hiện nay, quá nhiều sản phẩm có mặt trên thị trường khiến người nuôi như rơi vào “ma trận”.

Ông Trần Văn Hậu (Sóc Trăng) băn khoăn: Hiện nay nhiều công ty, đại lý cho người xuống tận đầm tôm tiếp thị sản phẩm thuốc trị bệnh và thức ăn cho tôm, quản lý địa phương có biết nhưng chẳng thấy can thiệp. Nhiều người nuôi sử dụng mà chưa biết có được không. Chỉ đến khi hỏng hết mới có người xuống “tìm nguyên nhân”. Thế chẳng phải để họ lấy đầm tôm của nông dân chúng tôi thử nghiệm?

Vấn đề này đã và đang diễn ra nhiều năm, đến nay vẫn chưa ngăn chặn được. Trách nhiệm này của ai?

Có một thực trạng là hiện nay, nhiều công ty, cơ sở sản xuất và kinh doanh sản phẩm thuốc, thú y hoạt động, nhưng không phải sản phẩm của đơn vị nào cũng là thật. Trong khi nông dân thì không biết được sản phẩm nào có trong danh mục, chất lượng ra sao… Và không loại trừ trường hợp khi sản phẩm đến tay người nông dân thì mẫu mã một đằng ruột một nẻo.

Ông Bùi Minh Diễn, người nuôi tôm ở huyện Cái Nước (Cà Mau) chia sẻ: Chúng tôi làm sao biết được thuốc nào chất lượng hay không chất lượng. Thấy cần thì phải mua về sử dụng. Dùng loại này không hết thì chuyển sang loại khác.

Khi được hỏi về việc vì sao tình trạng này vẫn liên tục diễn ra? Nhiều nhà quản lý cho rằng, cái khó lớn nhất hiện nay là quy định chưa được chặt chẽ. Ví như, nếu lực lượng chức năng nghi ngờ mặt hàng đó là giả thì tiến hành lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm. Thời gian chờ kết quả ít nhất là 10 ngày, đến khi có kết luận chính thức thì các cơ sở đã bán hết lô hàng.

Một vấn đề khác đáng lưu tâm. Hiện nay, các ngành chức năng và nhà khoa học khuyến cáo người nuôi tôm nên sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi, nhằm mang lại hiệu quả cao và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, chế phẩm sinh học chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi, người nuôi hiện được giới thiệu quá nhiều sản phẩm nhưng lại chưa rõ sản phẩm tốt xấu thế nào. Nhiều người có sử dụng trong các vuông tôm nhưng vẫn không ngăn được dịch bệnh. Và trong một cuộc hội thảo, đã có một đại biểu quả quyết rằng, có đến 90% sản phẩm chế phẩm sinh học trên thị trường hiện nay không đảm bảo chất lượng.

Vậy người nuôi tôm phải dựa vào đâu để tin? Câu hỏi này xin dành cho những người có trách nhiệm.

P.V

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!