T2, 06/07/2020 01:40

Mở đường biển cho thủy sản miền Tây

Chưa có đánh giá về bài viết

ĐBSCL là vựa thủy sản, nông sản, trái cây của cả nước, cũng là vùng xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm, tuy nhiên, nhu cầu bức thiết về một trung tâm logistics vẫn chưa có giải pháp. Nhiều dự án đã được triển khai, thế nhưng đường biển vào ĐBSCL vẫn tắc.


Ảnh minh họa

Bí bách từ luồng lạch

Dự án mang tên “Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu” gồm đào mới con kênh Tắt ở bờ biển tỉnh Trà Vinh và nạo vét kênh Quan Chánh Bố để đến sông Hậu, tránh cửa Định An hay bị bồi lắng. Theo GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, tổng mức đầu tư được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt ngày 30/11/2007 là 10.319,2 tỷ đồng, ngày 27/12/2009 khởi công và công bố dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; ngày 1/7/2016 đưa vào khai thác.

Ngày 17/11/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có thư cho GS Trân thống kê số lượng tàu đi qua luồng Quang Chánh Bố từ ngày 1/7/2016 – 31/10/2018. Theo đó, luồng Quan Chánh Bố chỉ khai thác một chiều, hoặc vào hoặc ra, để tránh sạt lở bờ. Tính cả tàu chở than cho Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải ở gần đó (hoàn toàn không đi vào luồng Quan Chánh Bố) thì số lượng chuyến tàu một ngày trong năm 2016 là 0,54; năm 2017 là 2,14 và năm 2018 là 3,34. Đặc biệt, trong năm 2018 số tàu ra chỉ bằng 84,7% số tàu vào, những tàu còn lại có thể đã đi ra bằng luồng Định An. Trong tổng số tàu vào và ra theo luồng Quan Chánh Bố, số tàu nước ngoài chỉ chiếm dưới 20%.

Thống kê tàu vào và ra theo luồng Quan Chánh Bố của Bộ GTVT đã không cho biết đầy đủ lượng hàng hóa chở trên tàu, có một số tàu không có số liệu hàng hóa. Nếu tính cả các chuyến không có số liệu thì lượng hàng hóa bình quân trên tàu vào ra năm 2016 là 2.383 tấn, năm 2017 là 2.318 tấn và 2018 là 1.925 tấn . Nếu loại ra những tàu không có số liệu hàng hóa thì lượng hàng hóa bình quân mỗi chuyến tàu lần lượt các năm là 3.752 tấn, 2.702 tấn và 2.706 tấn.

Còn số liệu của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho biết, số lượng hàng bình quân trên mỗi chuyến tàu vào ra theo luồng Quan Chánh Bố năm 2017 là 2.351 tấn, năm 2018 là 1.855 tấn và 3 tháng đầu năm 2019 là 1.590 tấn. Những số liệu cho thấy tàu biển vào và ra theo luồng Quan Chánh Bố chở ít hàng hóa, không như kỳ vọng là đón được tàu trọng tải lớn 10.000 – 20.000 tấn.

Đặc biệt, theo GS Trân thì Bộ trưởng Thể còn cho biết, luồng Quan Chánh Bố hàng năm phải chi phí nạo vét khá lớn. Năm 2016 nhận bàn giao từng phần dự án từ giữa năm cho đến hết năm nên chưa phải nạo vét nhưng sang năm 2017 đã phải nạo vét tốn 201 tỷ đồng và năm 2018 nạo vét tốn 346 tỷ đồng.

Nên chăng xã hội hóa?

Số tiền nạo vét luồng Quan Chánh Bố đã chi ra là rất lớn so với tiền nạo vét cửa Định An trước đây. Theo Bộ GTVT, kinh phí nạo vét cửa Định An năm 2016 chỉ 30 tỷ đồng, còn năm 2017 và 2019 không nạo vét nữa. Thế nhưng, như thống kê của Bộ GTVT đề cập ở trên, năm 2018 vẫn có 15,3% số tàu đi vào đã đi ra bằng cửa Định An. Như thế, dù không nạo vét trong năm 2017 và 2018 thì cửa Định An vẫn là một luồng cho tàu biển chở hàng hóa vào ra ĐBSCL. Thống kê của GS Trân, trong 10 năm (2007 – 2016) nạo vét cửa Định An tổng khối lượng 2,38 triệu m3 bùn cát với tổng kinh phí 122,2 tỷ đồng, giá thời điểm.

Qua số liệu trên, GS Trân nhận xét là hy vọng mở luồng Quan Chánh Bố để có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn 10.000 – 20.000 tấn, mở ra triển vọng tươi sáng cho xuất nhập khẩu và phát triển ĐBSCL “vẫn còn cách rất xa”. Trong tư vấn đầu tư có cho rằng, luồng Quan Chánh Bố không phải nạo vét thì nay thực tế chứng minh là sai, “là không thể vì trái quy luật. Ngược lại, kinh phí nạo vét không hề nhỏ và cũng phải nạo vét hàng năm”.

Hơn thế, GS Trân phân tích thêm, phương tiện nạo vét cửa Định An hàng năm trước đây là một trong hai tàu hút bụng chuyên dùng Long Châu và Trần Hưng Đạo (do Đức sản xuất, hạ thủy năm 1969, năng suất 3.500 m3/giờ, sức chứa bụng 3.250 m3) điều từ Hải Phòng vào, nạo vét 2 – 4 tháng trong mùa khô. Với năng suất và sức chứa bụng như thế, thời gian hoạt động ngắn đã đặt ra câu hỏi với Bộ GTVT từ năm 2008 là bùn cát nạo vét đổ đi đâu, đến nay chưa có câu trả lời. Vì nếu đổ gần nơi nạo vét thì hiệu quả thấp là đương nhiên. “Thực tế, việc nạo vét luồng Định An để có thể tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn hơn hiện nay là khả thi và hãy xã hội hóa việc nạo vét và khai thác luồng Định An”, GS Trân nhấn mạnh.

Từ đó, GS Trân kiến nghị: “Trước mắt, Bộ GTVT cần công bố Dự án cuối cùng, với tổng kinh phí và thời hạn đạt mục tiêu rõ ràng. Đồng thời, đầu tư nạo vét luồng Định An đúng chuẩn tắc để từng bước luồng này có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn, với thiết bị thi công hiện đại, công suất lớn”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!