Mô hình khuyến ngư: Con giống vẫn là yếu tố quan trọng

Chưa có đánh giá về bài viết

Những năm qua, nhiều giống thủy sản mới, có giá trị đã được nuôi thí điểm trên địa bàn cả nước, thích hợp với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song để nhân rộng các mô hình gặp không ít khó khăn về nguồn giống.

Nhiều đối tượng thủy sản có giá trị vẫn chưa đủ nguồn giống cung cấp   Ảnh: Thanh Cường

Nhiều đối tượng thủy sản có giá trị vẫn chưa đủ nguồn giống cung cấp Ảnh: Thanh Cường

Thí điểm thành công

Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh, giống cá mú đen rất được thị trường ưa chuộng; đây cũng là đối tượng được Trung tâm triển khai mô hình nuôi thí điểm ở vùng cát ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà và Cẩm Xuyên để xuất khẩu. Dự án nuôi cá mú, cá bơn trên cát công nghệ cao bước đầu thành công có thể khẳng định việc nuôi cá mú trên nền đất cát khi tỷ lệ chết thấp, vật nuôi phát triển tốt.

Tại Thừa Thiên – Huế, các đối tượng giống thủy sản có giá trị cũng được nhân rộng như: cá nâu, tôm càng xanh, cua… Điển hình là mô hình nuôi cá nâu trong ao nước lợ. Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Trưởng phòng Kỹ thuật thủy sản – Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế cho biết, tiềm năng nuôi cá nâu trong ao nước lợ trên địa bàn tỉnh tương đối lớn. Sau quá trình nghiên cứu, đầu năm 2016, Trung tâm đã triển khai mô hình thí điểm nuôi chuyên cá nâu trong ao nước lợ tại xã Vinh Hà (Phú Vang) với diện tích 2.000 m2. Mật độ thả 5 – 7 con/m2, thức ăn chủ yếu tự chế biến, kết hợp với thức ăn công nghiệp. “Sau 5 – 6 tháng nuôi, trọng lượng bình quân 300 g/con, năng suất 5 – 6 tấn/ha. Với giá hiện nay từ 150 – 250.000 đồng/kg, mỗi ha có thể cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, lãi khoảng 300 – 400 triệu đồng”, ông Nguyễn Minh ở xã Vinh Hà nhẩm tính.

Nuôi cua trứng trong ao, từ nguồn giống ươm, được Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế triển khai tại xã Vinh Xuân (Phú Vang) và xã Hương Phong (TX Hương Trà) với quy mô 0,6 ha/điểm; mật độ trung bình 1 con/m2, loại cua có kích cỡ 50 – 60 con/kg. Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, sau 4 tháng nuôi, cua đạt trọng lượng trung bình 250 – 300 g/con, tỷ lệ sống 50 – 60%. Với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, lãi 100 – 120 triệu đồng (lãi gấp rưỡi so với nuôi cua thông thường), mô hình nuôi cua trứng từ nguồn giống ươm mở ra nhiều triển vọng…

Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai nhiều mô hình thủy sản trong đó có nuôi tôm càng xanh toàn đực tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu; có 34 hộ tham gia với diện tích 60 ha. Thực tế, tôm nuôi phát triển tương đối đồng đều, tốc độ tăng trưởng nhanh. Sau 2 tháng nuôi đạt cỡ 90 – 110 con/kg; sau 3 tháng nuôi có thể đạt 60 con/kg; sau 5 tháng nuôi đạt 35 con/kg và sau 6 tháng nuôi có những cá thể đạt 20 con/kg. Lợi nhuận thu được từ mô hình cũng cao hơn nhiều so với trồng lúa thuần và nuôi tôm càng xanh thường.

Khó nhân rộng

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, mặc dù cá mú đã được xuất khẩu, nhưng khó khăn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm và con giống. Hiện, không phải trong nước không thể chủ động mà giá thành sản xuất quá cao nên nguồn giống được nhập chủ yếu từ nước ngoài.

 Còn Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế Châu Ngọc Phi cho rằng, giống cũng là nhân tố khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc triển khai nhân rộng các mô hình. Tại tỉnh, nguồn giống cá nâu chủ yếu đánh bắt, thu gom trong tự nhiên ở các cửa biển Thuận An, Tư Hiền và vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Giống tôm càng xanh phải mua từ các tỉnh khác, vận chuyển đường xa nên tôm bị mất sức, chi phí tăng cao. Hay nguồn giống cua trứng hiện nay cũng khan hiếm, ươm nuôi tại chỗ chưa nhiều, chủ yếu mua ở các tỉnh khác. Tỉnh và ngành nông nghiệp cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng các trung tâm, trại sản xuất giống tại chỗ, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng của người dân. Đó cũng là quan điểm của ông Mai Nam, Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ, qua quá trình triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại địa phương, khó khăn nhất là vấn đề con giống tôm toàn đực chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường do kỹ thuật sản xuất giống yêu cầu cao, phải ký hợp đồng trước với đơn vị sản xuất giống từ 1 đến 3 tháng mới có, chi phí con giống cao…

Để giải quyết vấn đề con giống, ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bạc Liêu, đề xuất: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần xây dựng kế hoạch sớm để ngay từ đầu năm đơn vị có kế hoạch đặt mua con giống, đồng thời hỗ trợ địa phương chuyển giao công nghệ sinh sản tôm càng xanh toàn đực để hạ giá thành sản xuất, người nuôi được tiếp cận và thuận lợi trong mua và vận chuyển giống.

>> Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu đề nghị: Các viện, trường tiếp tục nghiên cứu để tạo con giống chất lượng cao, giá bán thấp để cung cấp đủ giống cho bà con. Các Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y quản lý tốt con giống, tăng cường kiểm soát thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học. Trung tâm Khuyến nông các tỉnh nghiên cứu quy trình nuôi, liên kết tổ chức sản xuất gắn với thị trường.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!