Môi trường biển đang bị rác thải nhựa tấn công sự sống

Chưa có đánh giá về bài viết

Video đầy đau thương về chú rùa bị kẹt ống hút trong mũi và những con cá bị bơm đầy mảnh nhựa nhỏ trong người. Có những thương vong từ nhựa còn hơn thế…

Ô nhiễm nhựa trên biển và đại dương hiện nay đang là vấn đề gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tác động môi trường biển và hải đảo. Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, lượng hải sản bị nhiễm nhựa gia tăng cộng thêm ô nhiễm rác thải nhựa trên các bãi biển đang làm giảm số lượng du khách đáng kể, gây ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái biển và ven biển; đang ngày làm giảm chất lượng sống của của chúng ta.

Ô nhiễm môi trường biển – Ảnh minh họa

Những loài chim biển phụ thuộc nguồn thức ăn từ biển cũng đang ngày càng bị đe dọa do ô nhiễm rác thải nhựa biển đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới. Chim biển có thể xem là một chỉ số tuyệt vời cho việc đánh giá sức khỏe hệ sinh thái biển và hải đảo. Chỗ nào lượng chim biển nhiều và đa dạng thì chỗ đó mới có môi trường sinh thái biển tốt được.

Rác thải nhựa đã và đang dần tích tụ trong môi trường biển và đại dương từ những năm 1960, đến mức chúng ta có những núi nhựa khổng lồ trôi nổi trong đại dương và các chất thải nhựa khác đang trôi dạt trên những bãi biển sạch đẹp trên thế giới. Ước tính có khoảng 580,000 mảnh nhựa có kích thước khác nhau trên mỗi km2, với hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa đi vào các đại dương mỗi năm.

Cá mập và cá đuối là 2 loài cũng đang phải chịu hậu quả nặng nề từ ô nhiễm nhựa. Các nhà khoa học đã đếm được hơn 1.000 trường hợp cá mập và cá đuối bị mắc vào các tảng nhựa mà con người thải ra.

Kết quả này được ghi lại trong một nghiên cứu mới được công bố vào đầu tháng tháng 7 trên tạp chí Endangered Species. Con số thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều – nghiên cứu này chỉ bao gồm những trường hợp được báo cáo trên tạp chí khoa học và trên Twitter.

Cá mập và cá đuối có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn hầu hết các loài động vật khác, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) với chỉ 23% loài được xếp vào loại “ít đáng lo nhất”.

Nhựa không phải là mối đe dọa chính đối với chúng – săn bắt quá đà đặt ra một vấn đề lớn hơn. Nhưng nhựa càng làm tồi tệ hơn mối đe dọa tuyệt chủng của các loài.

Con cá mập may mắn thoát chết nhờ gặp được các nhà khoa học.

Daniel Abel, nhà sinh học biển tại Đại học Duyên hải Carolina (Mỹ) đã chứng kiến những hậu quả tàn khốc của ô nhiễm nhựa.

Vào năm 2016, khi đang tiến hành nghiên cứu ở Winyah Bay, Nam Carolina, Abel và các sinh viên của mình đã kéo lên một con cá mập cát bị vướng vào dây bện bao bì nhựa. Nhựa đã cắt một vòng quanh khắp cơ thể con cá, khiến các nhà nghiên cứu kinh hoàng.

“Một cảnh tượng thật kinh hoàng đối với chúng tôi”, GS Abel trao đổi với Live Science.

Trong những năm qua, Abel đã chứng kiến ngày càng nhiều cá mập mang dấu hiệu bị thương bởi các thiết bị của con người, bao gồm cả nhựa.

Con cá mập cát mà Abel kéo lên tàu đã sống sót – nhóm của Abel đã thành công giải thoát nó khỏi sợi dây cắt vào da của nó.

Nhưng theo Abel, không phải tất cả cá mập đều may mắn như vậy. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục như vậy trong một hoặc hai tháng nữa, dây bao bì nhựa sớm muộn sẽ cắt con cá mập này làm đôi, giết chết nó từ từ và đau đớn, theo GS Abel cho biết.

Mắc kẹt trong rác thải nhựa không phải là vấn đề mới, Chris Lowe, giám đốc của Shark Lab tại Đại học bang California, Long Beach (Mỹ) trao đổi. Nhưng trong tình trạng nhựa càng ngày càng tích tụ nhiều trong đại dương, tỷ lệ mắc vào chúng sẽ chỉ tăng lên.

Có lẽ rất nhiều người trong số chúng ta đã một đôi lần nhìn thấy trên mạng xã hội hình ảnh xác chú chim hải âu chết với đầy chất thải nhựa ở trong dạ dày của chúng. Phần lớn trong dạ dày của những con chim chết do rác thải nhựa có chứa các túi nhựa, nắp chai, bật lửa, đồ chơi bằng nhựa, sợi tổng hợp từ quần áo và các hạt vi nhựa,…. Đó là những cái chết mà không ai muốn nhìn thấy.

Các loài cá biển, động vật có vú ở biển và chim biển đang bị thương và chết vì ô nhiễm rác thải nhựa, khoảng 700 loài có thể bị tuyệt chủng vì ô nhiễm nhựa đại dương. Các ước tính hiện tại cho thấy ít nhất 267 loài trên toàn thế giới đã bị ảnh hưởng, bao gồm 84% các loài rùa biển, 44% của tất cả các loài chim biển và 43% của tất cả các loài động vật có vú biển và có lẽ con số còn nhiều hơn nữa. Chúng chết chủ yếu do ăn phải nhựa, chết đói, nghẹt thở, nhiễm trùng, chết đuối hay bị vướng víu.

Người ta ước tính rằng hơn 90% số lượng chim biển có chứa những mảnh nhựa trong bụng của chúng. Những con chim biển kiếm ăn từ bề mặt đại dương có khả năng ăn các loại mảnh nhựa trôi nổi trên biển, sau đó chúng sẽ mớm cho các con chim non ăn. Một nghiên cứu cho thấy 98% các loài chim con được lấy mẫu có chứa nhựa và số lượng nhựa được ăn vào đang tăng lên theo thời gian.

Các nhà khoa học đã theo dõi sự ăn vào rác thải nhựa của chim biển trong nhiều thập kỷ qua. Năm 1960, nhựa được tìm thấy trong dạ dày của các loài chim là dưới 5%, nhưng đến năm 1980, nó đã nhảy vọt lên đến 80%. Các nhà khoa học cũng dự đoán rằng vào năm 2050, 99% các loài chim biển trên thế giới sẽ vô tình ăn phải rác thải nhựa, trừ khi chúng ta có những hành động để làm sạch biển và đại dương. Nghiên cứu của Michelle Paleczny và các cộng sự cho thấy số lượng các loài chim biển trên toàn thế giới đã giảm đến 69.7% trong thời gian từ 1950 – 2010.

Các nhà nghiên cứu, bao gồm các nhà khoa học đến từ trường North Highland và viện nghiên cứu môi trường UHI ở Thurso, đã điều tra 34 loài. Họ tìm thấy 74% trong số đó đã ăn rác thải nhựa. Nghiên cứu chủ yếu liên quan đến các loài chim biển sống ở các vùng Bắc Âu, Nga, Scandinavia, Greenland, Svalbard, Faroes và Iceland. Các loài có mức độ ăn rác thải nhựa cao nhất bao gồm hải âu fulmar phía bắc, hải âu cổ rụt và mòng biển cá trích châu âu.

Nhiều chim biển có lượng nhựa đáng ngạc nhiên trong ruột của chúng. Một nhóm khoa học làm việc trên các hòn đảo ngoài khơi Australia đã tìm thấy những con chim có lượng nhựa trong dạ dày chiếm đến 8% trọng lượng cơ thể của chúng. Các thành viên của nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy gần 200 mảnh nhựa trong một con chim biển. Bạn hãy tưởng tượng một người nặng 62 kg có gần 5 kg nhựa trong đường tiêu hóa thì sẽ như thế nào? Và sau đó suy nghĩ xem thêm về khối lượng nhựa đó sẽ lớn đến mức nào với điều kiện là nhiều loại nhựa được thiết kế càng nhẹ càng tốt.

Một số loài đã tuyệt chủng do thảm họa thiên tai, một số loài chim biển đang có nguy cơ giảm về số lượng và chất lượng môi trường sống do rác thải nhựa trên biển. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau chung sức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sống cho các loài sinh vật đó cũng chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Những gì chúng ta có thể làm để cứu lấy biển và các sinh vật biển ngay lúc này là:

– Giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần;

– Tái sử dụng và tái chế những gì chúng ta có thể;

– Mua túi chuyên dụng có thể tái sử dụng để cắt giảm việc sử dụng túi nhựa;

– Thông tin cho những người thân, bạn bè,… về sự nguy hiểm của rác thải nhựa trên biển;

– Nhặt rác và bỏ rác đúng chỗ;

– Tình nguyện làm sạch biển, bãi biển và sông hồ khi có cơ hội;

– Nhắc nhở những người khác không thả bóng bay vào bầu khí quyển.

Tú Anh (T/h)

Theo Môi trường và Cuộc sống

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!