Móng Cái: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Với mong muốn nâng cao giá trị nông sản, TP Móng Cái đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư, ứng dụng KHCN trong trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó tạo thế đứng vững chắc cho các sản phẩm có thế mạnh, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Nuôi tôm theo công nghệ sinh học Semi biofloc ở TP Móng Cái. Ảnh: Cao Quỳnh

Đầu tư cho KHCN luôn được coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản, năng suất, hiệu quả lao động. Nhận thức rõ điều này, 2 năm gần đây, TP Móng Cái đã bố trí 7,3 tỷ đồng để thực hiện các dự án ứng dụng KHCN vào phát triển sản xuất. Điển hình là các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào mô hình trồng cam ngọt tại xã Quảng Nghĩa; nuôi tôm chân trắng bằng công nghệ Semi biofloc tại xã Vạn Ninh, phường Ninh Dương; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường nuôi tôm; xây dựng nhà bạt, hệ thống nước tuần hoàn để nuôi tôm trái vụ… 

Là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn ứng dụng công nghệ sinh học Semi biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng, ông Bùi Văn Trình (xã Vạn Ninh) cho biết: “Trước kia nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, nguồn nước nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, tỷ lệ tôm sống kém. Được sự hỗ trợ, tư vấn của thành phố, gia đình tôi đã mạnh dạn thử nghiệm quy trình nuôi tôm theo công nghệ sinh học Semi biofloc, cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn, lượng thức ăn giảm khoảng 30%, tỷ lệ nuôi thành công luôn đạt trên 80%. Hiện gia đình tôi có gần 7ha đầm nuôi tôm, hằng năm mang lại thu nhập từ 3-4 tỷ đồng”.

Thành phố cũng đặc biệt quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho lao động trên địa bàn. Trong 2 năm 2017-2018, thành phố đã tổ chức 16 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, như nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi lợn Móng Cái, trồng cây lâm nghiệp…cho hàng trăm lao động nông thôn. Qua đó, giúp người lao động có kiến thức sản xuất, phát triển các sản phẩm có lợi thế của địa phương. 

Với những sản phẩm có thế mạnh, thành phố chủ trương khuyến khích người dân, các hộ kinh doanh phát triển giống mới, ứng dụng KHCN vào sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Bước đầu các sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Hiện trên địa bàn thành phố có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu, gồm: Ghẹ Trà Cổ, Lợn Móng Cái, Tôm chân trắng Móng Cái. Đặc biệt, thương hiệu Lợn Móng Cái đã và đang được thành phố xây dựng quy trình sản xuất thịt lợn an toàn, chất lượng, mở rộng quy mô nuôi theo hướng trang trại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Hai năm 2017-2018, thành phố đã xuất bán ra thị trường 1.600 con lợn thương phẩm; bán theo mô hình chuỗi giá trị 600 con lợn thương phẩm.

Thành phố thường xuyên phối hợp với các đơn vị: Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản, Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT), Trung tâm Ứng dụng và thống kê KH&CN (Sở KH&CN),… xây dựng quy trình, nghiên cứu và áp dụng các mô hình cây, con, giống mới. Theo đó, đã áp dụng thành công công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bạt, công nghệ Semi Biofloc, công nghệ sinh sản cá giống lợ, mặn, công nghệ sinh học chăn nuôi gia súc…Các mô hình hiện đang được duy trì và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trên địa bàn.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng, lợn Móng Cái, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm có thế mạnh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cơ chế, chính sách nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu vực nông nghiệp theo hướng chuỗi sản phẩm, áp dụng KHCN vào trồng trọt, chăn nuôi, chế biến… để nâng cao giá trị sản phẩm.

Nguyên Ngọc

Theo Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!