Một năm ngành tôm thế giới chao đảo

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013 đánh dấu nhiều sự kiện buồn của ngành tôm thế giới. Dịch bệnh hoành hành tại nhiều nước, đặc biệt là ở châu Á, sản lượng sụt giảm, thị trường biến động…

“Nóng” vì EMS

Sự bùng phát của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) khiến tổng sản lượng tôm toàn cầu sụt giảm.  Châu Á là khu vực chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất, mà Thái Lan là ví dụ điển hình. Theo dự đoán của Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan (TFFA), sản lượng tôm của Thái Lan năm 2013 chỉ đạt khoảng 250.000 tấn, giảm gần 50% so với 550.000 tấn năm 2012.

Robbins McIntosh đến từ Tập đoàn CP Foods cho rằng, sản lượng tôm Thái Lan không thể phục hồi nhanh mà chỉ có thể phục hồi dần. Ít nhất phải đến năm 2018 Thái Lan mới sản xuất được 500.000 tấn tôm/năm và thậm chí còn lâu hơn để đạt sản lượng 625.000 tấn/năm như năm 2010.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Nhà máy Yuu, Samutsakhon, Thái Lan – Nguồn: Zimbio.com

Đến nay nguyên nhân gây ra EMS đã được các nhà khoa học phát hiện, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ không có giải pháp triệt để nào để khống chế EMS, mà chỉ có thể hạn chế bằng việc thực hành nuôi tốt, tăng cường kiểm soát mầm bệnh, nhất là từ tôm bố mẹ. Và EMS sẽ còn ảnh hưởng đến sản xuất tôm trong ít nhất 3 – 5 năm, thậm chí 5 – 7 năm.

 

Lao đao bởi thuế

Ngày 12/8/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã quyết định áp thuế CVD rất cao đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Mức thuế suất chung áp cho toàn bộ các công ty của Trung Quốc là 18,16%; Ecuador 11,68%; Ấn Độ 5,85%; Malaysia 54,5%; Việt Nam 4,52%. Tuy nhiên, trong phán quyết cuối cùng đầu tháng 9/2013, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) quyết định bãi bỏ thuế CVD.

Mặc dù mức thuế CVD không có giá trị pháp lý để thực thi và các doanh nghiệp đã được hoàn thuế, nhưng trong suốt 9 tháng từ khi khởi kiện đến khi kết thúc, thị trường tôm Mỹ vẫn có rất nhiều biến động.

Nhập khẩu tôm vào Mỹ liên tục giảm mạnh do nguồn cung thiếu hụt từ Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc. Tháng 3/2013, tổng khối lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm gần 2.000 tấn so cùng kỳ năm trước. Đồng thời, giá tôm trên thị trường Mỹ từ tháng 5 đến 9/2013 cũng tăng mạnh, ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại tôm trên thị trường này.

 

Xu hướng thay đổi

Thiếu nguồn cung bất thường vào mùa cao điểm ở châu Á, khủng hoảng kinh tế kéo dài ở châu Âu, sự suy yếu của đồng yên Nhật và phán quyết của DOC về thuế CVD đối với tôm nhập khẩu vào Mỹ là những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại tôm trên thị trường thế giới.

Tình trạng thiếu nguyên liệu khiến giá tôm trên toàn thế giới luôn ở mức cao. Sự suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn làm thay đổi xu hướng, thói quen của người tiêu dùng. Điều này thể hiện rõ nhất trên thị trường Nhật, Mỹ và EU. Tại Nhật, giá bán buôn tôm, nhất là tôm sú tăng đáng kể, dẫn đến nhu cầu giảm. Do giá cao, người tiêu dùng nước này đã chuyển sang sử dụng tôm thẻ chân trắng thay cho tôm sú trong các món ăn truyền thống của họ. Tại Mỹ, giá tôm tăng mạnh chủ yếu do dịch bệnh xảy ra tại nhiều nước nuôi tôm lớn ở châu Á. Ngoài ra, sau khi DOC đe dọa áp thuế CVD đối với tôm nhập khẩu, nhiều nhà cung cấp chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác khiến giá tôm các loại tại Mỹ đều tăng nhanh, kể cả tôm nuôi nhập khẩu lẫn tôm khai thác nội địa.

Tại châu Âu, khủng hoảng kinh tế khiến nhu cầu nhập khẩu tôm giảm, các hoạt động thương mại bị hạn chế. Trái lại ở Đông Nam Á, nhu cầu tiêu dùng ổn định, đẩy giá tôm tươi tăng cao so với các sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu. Tại Ấn Độ, nhu cầu đối với tôm chân trắng tươi ở thị trường trong nước vẫn cao.

Sao Mai

Seafood, SeafoodSource, Globefish

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!