T2, 06/07/2020 11:00

Mùa bần quê ngoại

Chưa có đánh giá về bài viết

Bây giờ cây bần đã có vị thế đặc biệt trong xã hội. Được ưu tiên chăm sóc, trồng thành rừng chống xói lở, bảo vệ bờ biển, tạo cảnh quan môi trường. Trái bần đã thành món đặc sản “ăn là ghiền” của miền Tây sông nước.

Mùa bần chín – Tuổi thơ tôi

Má kể rằng hồi còn nhỏ, mỗi lần mấy chị em bị cảm sốt là bà ngoại thường ra bờ sông hái trái bần chín về nấu canh chua với rau muống. Ăn vô mồ hôi vã ra là hạ sốt liền. Đám con nít đứa nào bị “Tào Tháo rượt” cũng chỉ trái bần non dầm nhuyễn, chế nước sôi vô chắt lấy nước uống là “cầm” ngay. Dọc theo sông Cổ Chiên chạy dài ra cửa biển Cồn Ngao (bờ bên này là Trà Vinh, bên kia là Bến Tre), bần mọc hai bên bờ xanh ngắt. Tới mùa gió chướng (tháng 11 đến tháng 4), bần chín rụng đầy bến sông. Tôi hồi đó còn tuổi “cởi truồng tắm mưa” vẫn tụ tập giỡn hớt, chơi đùa trên nhánh bần rồi nhảy ùm xuống sông tắm mát thỏa thích. Tắm đã rồi lại đi lượm bần vô nhà ăn với muối cục. Ăn riết miệng mồm đứa nào đứa nấy dính mủ bần đen thui.

Những đứa trẻ đi nhặt ốc và bần trên bãi bần ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng – Ảnh: Xuân Trường

Lớn lên, tôi theo ghe lưới của anh Tư Cứ ở xóm đánh cá tận Hàng Thùng, Khâu Băng, Ba Động chạy dài theo bờ biển Bến Tre, Trà Vinh, có lúc đổ xuống tận Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Lúc thiếu mồi đánh câu, ảnh biểu tôi đi kiếm bần chín về làm mồi. Lúc đầu tôi cứ thắc mắc hoài, ai đời câu cá bằng mồi… bần. Nhưng anh Tư tỉnh bơ kêu tôi “mày cứ mắc mồi đi, tối nay sẽ biết”. Nửa đêm nước lớn, anh Tư kêu tôi dậy kéo câu. Được nửa giàn thì thấy dây câu lắc mạnh. Có con gì nặng chịch kéo ghì giàn câu dưới nước. Phăng dây một hồi thì trước mũi ghe nổi lên con cá bự. Anh Tư kêu lớn: “Cá tra!”, rồi với tay lấy cây móc cắm bên mui ghe hờm sẵn. Lúc tới gần, anh móc “phập” vô đuôi con cá rồi kéo nó quăng lên sạp kêu cái rầm. Con cá giãy đành đạch một hồi rồi nằm há miệng thở ngóp ngóep. Nó nặng gần 6 kg.

Lúc này tôi mới tin rằng dùng trái bần chín làm mồi câu cũng “bén” hổng thua gì mấy món khác.

 

Rừng phòng hộ và đêm hoa đăng

Từ vàm Trà Vinh, theo ghe thả dài trên sông Cổ Chiên qua cồn Bàn, cồn Cò, cồn Nóc hướng ra biển. Nhớ những năm 80, khi đi ghe lưới qua vùng này, bần mới mọc lưa thưa. Tới cửa biển là thấy ngay Cồn Nạn, cồn Ngao (xã Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang) lúc đó chỉ là những cồn cát. Bờ biển chạy dọc huyện Cầu Ngang chỉ là bờ cát, sóng đánh lở dần từng mảng lấn vô đất liền. Từ biển nhìn vô có thể thấy nhà cửa mái tôn trắng lóa dưới ánh mặt trời. Hồi đó mỗi lần đánh xong mẻ cá, tụi tôi thường phóng ghe chạy thẳng vô bờ để bán. Ở đó có sẵn cái chợ mà người ta thường gọi là Bến Đáy, bãi cát trống trải ra tới mé biển.

Nay, ghe đã tới cửa biển rồi mà tôi vẫn không thể tìm ra cái chợ Bến Đáy ngày xưa, hoặc cái cồn Nạn trọc lóc chỉ có cát và cát. Tất cả đều dày bịt màu xanh um của bần. Ông chủ ghe tên Năm Mới, người xã Mỹ Long Bắc, thấy tôi ngóng cổ tìm hoài, liền giải thích: “Bây giờ bần lấn ra biển gần cây số rồi. Muốn vô chợ phải len theo mấy con rạch xuyên qua rừng bần. Ban ngày còn thấy đường đi, chớ ban đêm là bít chịt bởi bần mọc dày đặc, giơ bàn tay lên còn hổng thấy”. Cồn Nạn xưa như cái đầu trọc, giờ có tóc mọc lên vậy.

Nhìn rừng bần xanh ngát, tôi ngứa giò xắn quần lội xuống bãi đi một hơi vô mé rừng. Đám cá thòi lòi đang lắng quắng kiếm mồi trên bãi nghe tiếng chân người liền bỏ chạy táo tác vô hang. Loài cá này một thời gian dài biến đâu mất, vắng hoe, chắc do rừng bị phá, biển ô nhiễm. Nay chúng xuất hiện trở lại, chắc là nhờ có rừng bần mọc lên.

Tết vừa rồi tụi tôi có dịp ghé qua xã Phú Túc (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cách cầu Rạch Miễu chừng 6 km. Hỏi ở đây có gì “độc và lạ”, bạn bè giới thiệu ngay: “Đi chơi đêm trong rừng bần”. Vậy là sau bữa cơm tối, tụi tôi xuất phát từ ngọn rạch Cả Chắc (ấp Phú Khương) trên chiếc ghe đóng theo kiểu đò chở khách.

Ghe đi chầm chậm qua con rạch ngoằn ngoèo; hai bên bờ, bần mọc rậm rì, tán bần gie ra mé rạch. Không gian yên ắng, tĩnh lặng tới nỗi có thể nghe được hơi thở người bên cạnh.

Đường vào Bến Đáy nay được bần che kín

Qua khúc quanh, bỗng từ mũi ghe có tiếng la như reo: “Trời ơi, đẹp quá!”. Tất cả như chồm hết về phía trước. Hai bên bờ, dưới tán bần, hàng ngàn tia sáng nhỏ xíu lập lòe chớp tắt và di chuyển liên tục, giống như ánh đèn trang trí trên cây thông Noel. Lại có tiếng la lớn như phát hiện ra điều thú vị: “Đom đóm. Đom đóm nhiều quá!”. Lâu lắm rồi lại thấy đom đóm “bằng xương bằng thịt”. Ai cũng ráng bắt được một con bỏ vô tay bụm lại, ngắm nghía coi nó chớp tắt… Nghe tuổi thơ dội về. Mấy người kiếm chai nước suối rỗng bắt đom đóm bỏ vô, thành cái đèn chai lấp lánh. Giữa đêm đen, cả ngọn rạch sáng lập lòe như có hàng ngàn ngọn hoa đăng tí hon nhấp nháy. Anh Võ Văn Nghi, hướng dẫn viên du lịch kể rằng du khách nước ngoài bị hút hồn, ngơ ngác như… bị mộng du. Có người không hề biết tên đom đóm là gì, không thể dịch đúng nghĩa nên phải tạm gọi là con… ruồi đèn. Tới nay, “đêm hội hoa đăng” thành “tour hot” của tuyến.

 

Thương hiệu… Bần Long Trị

Ví dầu bắt cá nấu canh/Dầm bần thêm ớt cho thanh cho nồng/Mai sau thành vợ thành chồng/Đừng làm bần ớt hết nồng hết chua.

Chỉ vài con tép, với trái bần và ớt, người ta có thể nấu một nồi canh chua ngon lành. Hơn thế nữa, người ta còn có thể làm ra thiệt nhiều, phơi khô đóng gói thiệt gọn, dán nhãn mác ngon lành, có thương hiệu đàng hoàng, đưa vô siêu thị bán. Tên món đó là “lẩu canh chua bần”. Tác giả, không ai có thể ngờ, lại là một phụ nữ – nông dân rặt: chị Võ Thị Cúc, thường gọi Tư Cúc, ở ấp Long Trị, xã Long Đức, TP Trà Vinh.

Món canh chua cá tra nấu bần ở quê ông bà mình hồi xưa ăn hà rằm. Bữa nhậu thiếu mồi, ra hái trái bần chấm mắm sặc hoặc muối ớt, vậy là đủ “tới bến”.

Số phận đẩy đưa, bạn bè ăn riết đâm ghiền, cứ tới chơi là lại kêu món lẩu canh chua bần. Cách nấu cũng đơn giản. Nguyên liệu toàn cây nhà lá vườn: cá tra, cá bông lau hoặc cá kèo, cá bống sao, cá ngác, cá thòi lòi nấu cùng rau thơm, quế, giá, bạc hà hoặc bắp chuối. Nhưng cơ bản là phải biết chọn trái bần vừa chín vừa không “dốt” (nửa chín nửa sống) hoặc quá chín rục. Khi dầm trái bần cũng phải cho nước thiệt sôi, lượng vừa đủ để không quá chua hoặc quá ngọt. Chị mở quán, món lấy trái bần “làm vốn” vậy mà đông khách. Hễ nói “đi chơi cù lao Long Trị” là người ta nghĩ ngay tới món lẩu canh chua bần, hàng chị Tư Cúc.

Khách đông, phải làm khô trái bần để dành cho mùa nghịch. Thử mua bần về xay nhuyễn thành bột, phơi khô. Lần đầu bị “tổ trác”, trái chín luộc rồi chà bột đem phơi, bỗng đen thui. Chà bột từ trái sống, lại bị cát nhiều quá, do cái hột lẫn vô. Rồi chị gọt vỏ, gạn hết hột ra được bột dẻo, mịn, bắc lên nồi “sên” cho khô, nêm nếm gia vị, thêm ớt khô và chút muối cho vừa miệng. Chị vô keo chao xài dần…. Mừng húm, thành công bước đầu.

Có người khách lại quay phim đưa lên mạng. Việt kiều nước ngoài thấy khoái quá, về nước liền tìm tới. Chị Tư Cúc kể: “Có ông Việt kiều Đức thấy trên mạng hổng tin, ổng về tới tận nơi coi thực hư ra sao”. Ông Việt kiều đó hồi nhỏ sống ở vùng này, biết trái bần ra gió một hồi đen sì, sao giữ được ba bốn tháng? Coi xong, ổng cười cười: “Dân mình hay thiệt. Có những chuyện tưởng làm hổng được, lại làm dễ như chơi”. Về bển, ông đem theo cả chục ký giới thiệu cho bạn bè. Năm ngoái ổng lại về chơi, nói rằng người bạn ở bển mở nhà hàng, cũng đã đưa món lẩu canh chua bần vô thực đơn rồi.

>> Bây giờ, khách phương xa có thể gọi điện đặt hàng hoặc ra siêu thị tìm mua là có; còn muốn đi chơi miền sông nước, ngắm nghía rặng bần, thưởng thức món canh chua cá tra nấu với bần, thì cứ việc nhắm hướng cù lao Long Trị mà tới.

Đạt Thịnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!