Mưa lũ tại miền Trung và miền núi phía Bắc: 27 người chết, hàng ngàn người mất tài sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, sáng nay (12.10) trên sông Mã tại Giàng ở mức tương đương 2 trận lũ lịch sử năm 1980 và 2007 gây ngập lụt nghiêm trọng tại Thanh Hóa.

Cứu hộ người dân bị lũ tại Tam Nông (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: TTXVN

Cứu hộ người dân bị lũ tại Tam Nông (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: TTXVN

Tại nhiều địa phương, tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, số người chết, bị thương và mất tích do mưa lũ vẫn gia tăng; số lượng tài sản của người dân bị nhấn chìm theo lũ vẫn chưa là con số cuối cùng… 

39 người thương vong, 19 người mất tích

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, thiệt hại bước đầu tính đến 20h ngày 11.10, đã có 27 người bị tử vong do mưa lũ, 19 người mất tích và 12 người bị thương.

Trong đó, Thanh Hóa: 3 người; Nghệ An: 8 người, Sơn La: 5 người, Hòa Bình: 4 người. 12 người bị mất tích (Yên Bái 4, Hòa Bình 1, Thanh Hóa 3; Sơn La 3, Quảng Trị 10). Số người bị thương: 5 người (Hòa Bình 1; Thanh Hóa 3, Sơn La 1)…

Tổng số 81 nhà ngôi nhà bị sập; 3.127 nhà bị ngập. Trong đó, Yên Bái: 212, Hòa Bình: 5; Phú Thọ: 223, Thanh Hóa: 432; Nghệ An: 735; Hà Tĩnh: 1.519; trên 135 nhà phải di dời khẩn cấp…

Về nông nghiệp, có 348ha lúa bị ngập, thiệt hại; 13.784ha ngô, hoa màu, rau màu bị thiệt hại; về chăn nuôi, có 285 con gia súc và 9.581 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về giao thông, sạt lở 2 điểm tại quốc lộ 217 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa và 13 điểm tại các quốc lộ 15A, 16, 48D đoạn đi qua địa phận tỉnh Nghệ An; ngập 25 điểm tại các quốc lộ 15A, 48B, 48D, 48E đoạn đi qua tỉnh Nghệ An. Sạt lở tại 14 điểm, ngập sâu từ 0,4 – 1,5m tại các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ thuộc các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh gây ách tắc giao thông.

Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê đánh giá thiệt hại.

Cầu Thia tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: PV

Cầu Thia tại thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh: PV

Nhiều hồ chứa xảy ra sự cố

Trước lưu lượng về quá lớn, hồ Hòa Bình liên tục phải mở 8 cửa xả đáy (đã đóng cửa số 8 vào lúc 13h45 ngày 11.10.2017). Đối với các hồ chứa thủy lợi, hiện có 10 hồ đang xả nước. Trong đó, các hồ tại Thanh Hóa có: Cửa Đạt 3.800m3/s, Sông Mực 20m3/s. Đồng Chùa 10m3/s (Thanh Hóa).

Tại Nghệ An có: Vực Mấu 350m3/s, Sông Sào 300m3/s. Hà Tĩnh: Sông Rác 15m3/s, Thượng Sông Trí 30m3/s, Kim Sơn 15m3/s, Tàu Voi 10m3/s. Quảng Bình: Thác Chuối 44m3/s. Các hồ chứa nhỏ ở Bắc Bộ cơ bản đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường (MNDBT), riêng tại Bắc Giang và Lạng Sơn, mực nước các hồ còn thấp hơn MNDBT từ 1-3,5m.

Các tỉnh có nhiều hồ đầy nước gồm: Thanh Hóa 530/584 hồ; Nghệ An 516/588 hồ; Hà Tĩnh 300/316 hồ. Các hồ chứa xung yếu: Có 221 hồ chứa xung yếu (79 hồ lớn, 142 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ…

Mưa lũ đã khiến xảy ra một số sự cố hồ chứa. Tại Thanh Hóa, đập Ông Già (384.000m3) tại huyện Tĩnh Gia bị tràn qua đỉnh 10cm. Hiện nước đã rút về MNDBT (ngưỡng tràn tự do); vỡ đập Hồ Vương (Cẩm Thủy) chiều dài 12m, sạt mái hồ Đập Cầu (Hà Trung) chiều dài 60m.

Tại Nghệ An, đập Trại Gà, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (dung tích 100.000m3) bị mưa lớn tràn qua thân đập và đã mở rộng tràn 5m để xả lũ, đảm bảo an toàn đập.

Tại Hà Tĩnh: Đập hồ chứa Cố Châu (dung tích 300.000m3) tại xã Gia Hanh (huyện Can Lộc) bị vỡ với với chiều dài 28m, sâu từ 3-3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810m3.

Tại Hòa Bình: Đập hồ Cháu Mè (dung tích 400.000m3) bị sạt mái hạ lưu, hiện đoàn công tác của Tổng cục PCTT đang phối hợp địa phương xử lý.

Ứng phó với mưa lũ, sẵn sàng sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của BCĐ Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đến thời điểm này, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức sơ tán 5.114 hộ dân tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Trong đó, Thanh Hóa sơ tán được 4.791 hộ, Nghệ An 111 hộ, Hà Tĩnh 212 hộ. Tỉnh Ninh Bình đang tổ chức sơ tán dân tại 12 xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn.

Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hỗ trợ 58 hộ dân di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản, 3 doanh nghiệp di dời các thiết bị, máy móc ở ven sông thuộc thành phố Hòa Bình; di dời trên 80 hộ dân hạ du hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đá Bắc khi mực nước cao qua tràn gây sạt lở hạ lưu, nguy cơ mất an toàn đập.

Theo BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai, tình hình mưa lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ (đặc biệt trên địa phận thành phố Yên Bái, huyện Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ). Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình…

Nhóm Phóng Viên

Báo Lao Động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!