T2, 06/07/2020 01:34

Mục tiêu 2 triệu tấn khai thác vụ cá Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là kế hoạch khai thác vụ cá Nam 2019 của ngành thủy sản, trong đó, khai thác hải sản là gần 2 triệu tấn, khai thác nội địa là 127 nghìn tấn. Để đạt mục tiêu, toàn ngành cần có những biện pháp đồng bộ.


Ảnh minh họa

Nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2018 – 2019 đạt 1.589 nghìn tấn, tăng 6,2% so cùng kỳ. Cùng với việc thị trường tiêu thụ hải sản và giá nhiên liệu tương đối ổn định đã giúp thu nhập của ngư dân từng bước tăng lên, tạo động lực cho ngư dân yên tâm bám biển sản xuất. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác quản lý tàu cá, cảng cá, khu neo đậu…, tình trạng tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển các nước lân cận đã giảm đáng kể, đến nay tình trạng này gần như đã chấm dứt.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, trong vụ cá Bắc 2018 – 2019, Tổng cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân về các thông tin dự báo ngư trường khai thác hải sản thông qua các lớp tập huấn, cấp phát tại cảng cá, chi cục, đài thông tin duyên hải. Việc đưa bản tin dự báo ngư trường đến với ngư dân đã tạo được sự thuận lợi trong việc tìm kiếm ngư trường đánh bắt, nâng cao hiệu quả, giảm bớt chi phí chuyến biển cho ngư dân.

Tuy nhiên, vụ cá Bắc vừa qua vẫn còn một số vấn đề tồn tại, như: Cường lực khai thác vượt quá so với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; số lượng tàu cá loại nhỏ khai thác ven bờ còn nhiều; việc chuyển đổi cơ cấu nghề trong khai thác hải sản còn chậm… Bên cạnh đó, việc thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại cảng cá còn gặp khó khăn do chưa hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu; hệ thống, tổ chức hoạt động kiểm tra, kiểm soát nghề cá còn chưa đồng bộ; lao động khai thác thủy sản còn thiếu và chưa cao…

Kế hoạch khai thác vụ cá Nam 2019, Tổng cục Thủy sản đặt ra mục tiêu sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn (trong đó khai thác hải sản là gần 2 triệu tấn, khai thác nội địa là 127 nghìn tấn). Cùng đó là một số định hướng trọng tâm, như: chống khai thác bất hợp pháp; nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU về chống khai thác IUU; tổ chức mạnh khai thác xa bờ, khai thác viễn dương; ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản sau thu hoạch theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản…

Thực thi đúng luật

Để khai thác mang lại giá trị cao và bền vững, ngành thủy sản đã đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, với Luật Thủy sản 2017, do có nhiều điểm mới, nhiều quy định quản lý mới và hội nhập quốc tế nên công tác triển khai tại địa phương là nhiệm vụ quan trọng trong vụ cá Nam 2019; Toàn ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU; Triển khai các chính sách phát triển thủy sản; Tập trung nghiên cứu, tham mưu Chính sách phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo ngư trường; Quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu trên biển; Tiếp tục triển khai Đề án khai thác viễn dương; Ứng dụng công nghệ khai thác, bảo quản và chế biến sản phẩm; Tiến tới xây dựng Thương hiệu thủy sản khai thác.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho rằng, cần phải áp dụng những quy định về thực hành sản xuất tốt, đảm bảo chất lượng ATTP để làm sao giảm được thất thoát sau thu hoạch, đồng thời cũng đảm bảo ATTP, đáp ứng các quy định của Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được các quy định của các nước nhập khẩu để phát triển xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng chỉ đạo ngành thủy sản thực hiện một số giải pháp để đạt mục tiêu nhanh và bền vững, gắn với hội nhập. Đó là: Thực thi pháp luật nghiêm túc; Quyết liệt triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật; Tập huấn bằng nhiều hình thức nhằm khơi dậy sức mạnh quần chúng. Ngành cũng cần tham mưu cơ chế chính sách nắm sát thực tế; có cơ chế thu hút nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao trình độ khoa học công nghệ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng khoa học phải xuất phát từ thực tiễn và quay lại phục vụ thực tiễn. Cạnh đó là các cơ chế chính sách đề xuất gắn với chuỗi; phải liên kết các hoạt động thành một hệ thống đồng bộ.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!