Muốn mạt nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là câu nói cửa miệng của nhiều người dân vùng đất nghèo ven biển phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) nhiều năm nay. Trái ngược với những năm đầu thế kỷ 21, khi con tôm nước lợ đã biến vùng đất này trở nên giàu có.

Liên tục lấp ao

Ông Võ Đình Thọ chỉ bãi đất trống, nói: “Ao nuôi tôm một thời đấy, 4 cái tôi đã lấp 2 để làm việc khác”. Khu đất rộng 5 ha, hồi mới mua lại của người khác, nơi đây còn hoang vắng, ông cho làm lúa và nuôi tôm càng xanh. Có người bảo, nên nuôi tôm sú thì ông đào một ao rộng 5.000 m2 “nuôi chơi”. Nhưng nuôi chơi mà ăn thiệt, sau 2 tháng 19 ngày tôm đã lớn cỡ 30 con/kg, bán giá 130.000 – 140.000 đồng/kg. Vụ đầu thu 2 tấn tôm. Bên cạnh còn thu được hàng tấn tép mồng (một đặc sản) và hàng trăm ký cá rô.

Tiếp theo, ông Thọ đào thêm 3 ao và 1 một ao lóng nước để mở rộng nuôi tôm. Đang làm chủ Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phong Phát, có nhiều xe máy công trình, ông đầu tư khu nuôi tôm bài bản với hệ thống điện mạnh, còn xây ngôi nhà tường cho người nuôi tôm nghỉ ngơi.

muốn mạt nuôi tôm

Ông Võ Đình Thọ bên ao nuôi tôm mới lấp – Ảnh: Ngọc Duyên

Liên tục thắng lợi. Xung quanh nhiều người cũng nuôi tôm. Vợ ông Thọ mở cơ sở kinh doanh thức ăn tôm, mỗi ngày bán hơn 30 tấn. Khắp nơi rộn ràng tiếng cười. “Chỉ được dăm năm, sau đó tôm giống thả xuống hơn tháng là chết, do cả vùng nuôi không có quy hoạch đã gây ô nhiễm trầm trọng. Còn thêm vùng này gần sân chim Bạc Liêu, còng cọc thường xuống ăn tôm cũng làm lây lan thêm ô nhiễm”, ông Thọ buồn bã.

Mấy năm trước, ông lấp một ao để xây dựng cơ sở trộn bê tông; mới đây lấp ao thứ hai để tính mở cơ sở sản xuất gạch không nung. Những ao khác bỏ hoang. Ông cho biết thêm: “Cả vùng nuôi tôm thua lỗ, nợ tiền thức ăn tôm của vợ tôi mấy tỷ đồng không đòi được. Giờ chỉ còn vài hộ nuôi mật độ thưa, vớt vát qua ngày”.

Nghiên cứu của các ông Phan Thanh Lâm, Đoàn Văn Bảy, Trần Đình Luân cho biết, nuôi tôm bán thâm canh và luân canh tôm – lúa ở tỉnh Bạc Liêu, Sóc trăng từ năm 2010 đến 2014 “hầu hết người nuôi phải đối mặt với dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi”. Nguyên nhân gây bệnh là chất lượng nước kém,ô nhiễm môi trường, chất lượng tôm giống kém và bệnh virus. Thua lỗ nuôi tôm làm cho nông hộ “giảm thu nhập, tăng nợ, chuyển sang ngành nghề khác, làm giảm sức khỏe thể chất và tinh thần, xáo trộn các hoạt động gia đình”.

Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản Như Văn Cẩn phân tích: “Hạ tầng thủy lợi nhiều nơi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp nước và thoát nước chưa đảm bảo, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh; khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ trong nuôi tôm, đặc biệt với vùng nuôi quảng canh còn yếu”.

 

Nuôi thân thiện môi trường

Ông Cẩn nêu giải pháp: “Phát triển công nghệ hay giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường như Bioflocs, nuôi hai giai đoạn/đa chu kỳ, đào ao, ương gièo, nuôi trong nhà bạt, sử dụng chế phẩm sinh học”.

Hai ông Jose Villalon, Amy Whiete (Giám đốc và Trưởng bộ phận Phát triển bền vững của Tập đoàn Nutreco) và ông Berg Lea (Giám đốc Phát triển bền vững của Tập đoàn Skretting) đánh giá vấn đề của ngành tôm hiện nay là ô nhiễm, phá hủy môi trường, bùng nổ dịch bệnh. Các ông nêu giải pháp dinh dưỡng nhằm hỗ trợ sản xuất tôm bền vững, đó là công nghệ thay thế nguyên liệu trong sản xuất thức ăn bằng loại nguyên liệu ít sử dụng tài nguyên. Gồm cả công nghệ phát triển thức ăn chuyên về sức khỏe để chống lại dịch bệnh trên tôm mà không cần dùng thuốc.

Công nghệ vi sinh để nuôi tôm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường là hình ảnh nổi bật ở VietShrimp 2016, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Đây là công nghệ không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi tôm. Ngay chất thải đáy ao cũng dùng vi sinh xử lý, để chính vi sinh đó lại trở thành thành thức ăn tự nhiên cho tôm.

Công ty Công nghệ Hóa sinh Việt Nam ở Hà Nội có các sản phẩm công nghệ sinh học phục vụ nuôi tôm sạch và bền vững, như men vi sinh làm thức ăn bổ sung cho tôm, chế phẩm sinh học làm sạch nước và đáy nền ao. Công ty TNHH Hiệp Thành ở tỉnh Sóc Trăng cũng có các chế phẩm sinh học làm sạch đáy ao nuôi. Công ty TNHH Ecovet ở TP Hồ Chí Minh có những khoáng chất giúp tảo và sinh vật phù du phát triển tốt, cải thiện môi trường ao nuôi, tăng nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm. Công ty TNHH Pharmaq Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh có sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch, kiểm soát hệ vi sinh đường ruột cho tôm. Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Thế Mậu ở tỉnh Long An có sản phẩm hấp thụ độc tố nấm mốc, tăng cường hệ vi sinh đường ruột cho tôm.Công ty TNHH Sinh học Nam Việt ở TP Hồ Chí Minh có giải pháp thảo dược chặn đứng bệnh EMS…

Nhiều doanh nghiệp hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các giải pháp hữu cơ tăng hiệu quả nuôi tôm và bảo vệ môi trường. Công ty TNHH Thương mại Minh An ở TP Hồ Chí Minh mời TS Lê Thanh Hùng (Khoa Thủy sản của Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh) và TS Orapint Jintasataporn (Khoa Thủy sản của Đại học Kasetsart – Thái Lan) nghiên cứu việc bổ sung vi khoáng hữu cơ thay vi khoáng vô cơ trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Kết quả, sử dụng vi khoáng hữu cơ so với vi khoáng vô cơ, tỷ lệ tôm sống tăng gần 7%, lượng tôm thu hoạch tăng hơn 15%, lợi nhuận tăng. Sau nghiên cứu, doanh nghiệp đã đưa tới VietShrimp 4 sản phẩm mới.

>> Vấn đề lớn trong nuôi tôm hiện nay là khoa học công nghệ, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, sử dụng vi sinh mà không sử dụng kháng sinh để bảo vệ môi trường. Hợp tác trong nuôi tôm rất quan trọng cũng có mục đích giúp nhau bảo vệ môi trường.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!