Muốn thu nhập cao, vào Tổ hợp tác Toàn Thắng

Chưa có đánh giá về bài viết

Đến các vùng nuôi tôm trọng điểm tỉnh Sóc Trăng những ngày này, thấy tràn ngập không khí phấn khởi, khi người nuôi tôm được mùa, trúng giá. Trong nhiều cá nhân, tập thể sản xuất có thu nhập cao, phải kể Tổ hợp tác Toàn Thắng (ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu).

Niềm vui từ tôm

Vĩnh Châu có hơn 24.000 ha nuôi thủy sản. Những năm trước, do dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp, người nuôi tôm ở đây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm này, người dân Vĩnh Châu đã vui hơn khi tôm được mùa, được giá.

Tổ hợp tác Toàn Thắng hoạt động từ năm 2010, với 30 hội viên là những hộ dân nuôi tôm trong vùng, liên kết giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật nuôi. Nhờ thế, dù trong khó khăn thời tiết, dịch bệnh, Tổ hợp tác vẫn duy trì được sản lượng, diện tích tôm bị chết cũng ít hơn.

Các hội viên tham gia Tổ hợp tác đóng phí 50.000 đồng/tháng, với vốn khoảng 50 triệu đồng dùng để giúp đỡ những hội viên gặp khó khăn trong nuôi trồng khi tôm bị dịch bệnh, cho vay với lãi suất thấp (khoảng 1%/năm) để có vốn đầu tư sản xuất. Hằng tháng, các hội viên cùng họp lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn trong sản xuất, để có hướng hỗ trợ, cùng đó cũng thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng trừ… Khi tham gia Tổ hợp tác, phong trào sản xuất cũng được đẩy mạnh hơn, hiệu quả tăng cao, rủi ro giảm hẳn.

Toàn tổ có 40 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, đạt sản lượng 2 – 3 tấn/ha, trừ chi phí mỗi hộ đều lãi 150 – 250 triệu đồng/ha. Có được thành quả này là nhờ Tổ hợp tác thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện nghiêm lịch mùa vụ, chú trọng khâu cải tạo, chăm sóc tôm nuôi, thả nuôi với mật độ thưa; cùng đó là các giải pháp về kỹ thuật phòng ngừa dịch bệnh. Hằng năm, hội viên cũng được tham quan học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả tại địa phương và tỉnh bạn; các lớp tập huấn nâng cao trình độ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ao nuôi tôm theo mô hình VietGAP của Tổ hợp tác Toàn Thắng – Ảnh: Linh Chi

 

Nâng cao hiệu quả hợp tác

Ông Mai Văn Đấu, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, trước mỗi vụ thả nuôi, Tổ hợp tác đều tổ chức các buổi họp nhằm đưa ra các khuyến cáo về kỹ thuật thả nuôi, phòng ngừa dịch bệnh, khâu chăm sóc, cải tạo ao nuôi, xử lý tốt các yếu tố môi trường. Cùng đó là vấn đề lựa chọn con giống – Đây là một trong những nhân tố quan trọng, vì nếu nguồn giống sạch, chất lượng cao sẽ có sức đề kháng tốt, ít nhiễm dịch bệnh, năng suất cao; Đồng thời, không được xả nước tại các ao nuôi bị nhiễm bệnh ra môi trường xung quanh, sử dụng vi sinh, không dùng hóa chất giúp tạo môi trường nuôi sạch, nguồn tôm thương phẩm không độc hại…

Được hỏi về việc nuôi tôm theo hướng tạo sản phẩm sạch, an toàn sinh học, ông Đấu chia sẻ, nuôi tôm theo cách này giảm được chi phí sản xuất, lợi nhuận cũng cao hơn. Tổ hợp tác bắt đầu nuôi tôm theo VietGAP từ đầu năm 2012. Sau gần 3 năm, kết quả so với các vùng nuôi khác không theo quy trình này, sản lượng cao hơn, rủi ro giảm (khoảng 30%). Nuôi tôm theo hướng VietGAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch, vì sản xuất theo quy trình này chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất cấm, cũng là nhằm tạo thương hiệu cho cánh đồng mẫu tôm của Tổ hợp tác. Theo các xã viên, ngoài mặt lợi nhuận có được từ Dự án đem lại, điều quan trọng là đã giúp người nuôi tôm nâng cao nhận thức trong việc sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm; từng bước hướng đến sản xuất sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt là thể hiện được tính cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật của người nuôi tôm.

Để sản xuất tôm sạch, chất lượng cao, góp phần tăng tính cạnh tranh tôm của Việt Nam trên thương trường, việc thực hiện nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP là cần thiết, đáp ứng nhu cầu tôm sạch cho thị trường xuất khẩu – Đây cũng là điều mà ngành chuyên môn thị xã Vĩnh Châu đang hướng đến. Ông Trần Minh Trí, Trưởng trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết, năm 2014 UBND thị xã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình quản lý cộng đồng, tăng cường hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã ở từng khu vực. Cùng đó, ngành chuyên môn hướng dẫn phương pháp, kỹ năng quản lý điều hành, cung cấp thông tin kỹ thuật giúp những tổ nhóm có ý thức tốt trong vấn đề tổ chức sản xuất. Nếu việc hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã mang lại lợi nhuận cho các thành viên thì đó là chiếc chìa khóa thành công trong nuôi tôm.

Tuy nhiên, một trở ngại hiện nay là thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, sản phẩm của Tổ hợp tác chưa có sự khác biệt về giá so với tôm nuôi khác, các hội viên phần lớn bán tôm cho thương lái; mong muốn có được sự bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định; cùng đó, người dân còn gặp khó khăn về điện sản xuất, vẫn dùng dầu với chi phí cao.

>> Ông Mai Văn Đấu cho biết: Thời gian tới, Tổ hợp tác tích cực tuyên truyền cho hội viên tiếp tục thả nuôi tôm sú cùng các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hiện có; đồng thời, kết hợp nuôi tôm với trồng hoa màu quanh bờ ao, kết hợp nuôi đối tượng khác (như lợn, gà, vịt…) nhằm tạo thêm lợi nhuận, chủ động được nguồn vốn.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!