Mỹ Lộc (Nam Định): Phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung

Chưa có đánh giá về bài viết

Với vị trí địa lý và địa hình có nhiều diện tích mặt nước nên trong định hướng thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) đã xác định phát triển nuôi thủy sản theo hướng hình thành các vùng nuôi tập trung và theo thế mạnh của từng địa phương là một trọng tâm.

Huyện Mỹ Lộc hiện có 895ha dùng cho nuôi thủy sản nước ngọt với sản lượng trung bình hằng năm lên đến hơn 2.300 tấn. Huyện đã quy hoạch xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung tại các xã Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Trung, Mỹ Hưng với các đối tượng chính là các loại cá truyền thống, cá trắm đen, cá cảnh… Xã Mỹ Hà được đánh giá là “điểm sáng” về phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung của huyện. Mỹ Hà có nhiều lợi thế từ mạng lưới sông, ngòi, kênh mương nội đồng phân bố trên khắp địa bàn xã. Tổng diện tích nuôi thủy sản của xã đạt 77,71ha; có 2 vùng nuôi tập trung là vùng Ngút, vùng Lướt với tổng diện tích hơn 30ha. Anh Trần Công Quyên là người nuôi cá trắm đen có tiếng của xã Mỹ Hà. Anh chia sẻ: “Cách đây khoảng chục năm, gia đình tôi nhận thầu hơn 2ha để phát triển nghề “canh trì”, tôi đã đầu tư xây bờ bao ngăn thành các ô riêng biệt để nuôi cá trắm đen. Do áp dụng các phương pháp kỹ thuật và chăm sóc đàn cá tốt nên mỗi năm tôi thu khoảng 15 tấn cá, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”. Từ hiệu quả kinh tế cao của các vùng nuôi tập trung, trong những năm gần đây, được sự chỉ đạo của chính quyền và ngành Nông nghiệp một số hộ đã chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp trồng cây theo mô hình VAC, bước đầu đã cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Toàn xã có 12 trang trại, gia trại được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Cùng với Mỹ Hà, Mỹ Tiến cũng là xã phát triển tốt nghề nuôi thủy sản theo vùng nuôi tập trung. Xã có 4 vùng nuôi tập trung tại các thôn Lang Xá, La Đồng, La Chợ, Nguyễn Huệ. Để việc nuôi thủy sản phát triển theo vùng nuôi tập trung đúng quy hoạch, xã đã tổ chức công khai quy hoạch, tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất theo quy hoạch; tạo điều kiện cho bà con vay vốn đầu tư xây dựng vùng nuôi đồng bộ, hạn chế chắp vá quản lý các vùng nuôi chặt chẽ, không để người dân tự phát chuyển đổi vùng nuôi thủy sản phá vỡ quy hoạch. Những trường hợp cố tình vi phạm xây nhà kiên cố trên diện tích nuôi thủy sản bị xử lý nghiêm túc và chấm dứt hợp đồng. Ông Trần Văn Mịch có diện tích hơn 1ha nuôi thủy sản trong vùng nuôi tập trung thôn La Chợ với các đối tượng chính là cá trắm đen, cá Koi. Ông cho biết: “Từ khi hình thành các vùng nuôi tập trung, người nuôi chúng tôi cũng yên tâm phát triển nghề hơn rất nhiều. Chúng tôi thuận lợi trong việc cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về xử lý nguồn nước, cách phòng trị bệnh cho cá, cách chăm sóc đàn cá cho hiệu quả… Ngoài ra chúng tôi còn có thể hỗ trợ nhau trông coi bảo vệ an ninh trật tự khu vực nuôi. Đồng chí Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Mỹ Lộc cho biết: “Việc phát triển và nhân rộng vùng nuôi thủy sản tập trung đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng nông sản hàng hóa, thuận lợi trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, từng bước tạo ra những sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng”. Ông Ngọc cũng cho biết, tới đây Phòng NN và PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; thực hiện tốt việc quy hoạch nhằm khai thác lợi thế về đất đai để mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 đến 2 vùng nuôi thủy sản tập trung; đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi giúp người nuôi thủy sản thành thạo các kỹ thuật, chủ động trong sản xuất, hạn chế rủi ro. Tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi diện tích ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích nuôi thủy sản toàn huyện đạt 934ha, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.441 tấn. Đối tượng nuôi chủ lực là cá trắm đen; đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản có khả năng thâm canh; khuyến khích nuôi theo phương thức công nghiệp.

Để đạt được những chỉ tiêu đã đặt ra, huyện tiếp tục rà soát và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm hợp lý; có biện pháp, cơ chế hỗ trợ nhân rộng các vùng nuôi thủy sản tập trung; liên kết với Sở NN và PTNT, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, các Trung tâm giống thủy sản trong và ngoài tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật để chuẩn hóa giống cá nuôi.

Thanh Hoa

Báo Nam Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!