Nam Định: Nuôi ếch an toàn sinh học- Hướng đi mới của người dân xã Hải Ninh

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, Ủy ban nhân dân xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã hướng dẫn người dân chuyển đổi 50 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trong đó có mô hình nuôi ếch Thái Lan.

Nuôi ếch trong lồng lưới theo hướng an toàn sinh học giúp giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế

Tính đến đầu năm 2018, toàn xã Hải Ninh có tổng cộng 33 hộ nuôi ếch Thái Lan, đa số các hộ nuôi theo hình thức công nghiệp trong bể xi măng hoặc bể bạt; một số hộ sử dụng thảo dược để nuôi ếch, từng bước thay thế thuốc kháng sinh.  

Hình thức nuôi ếch công nghiệp trong bể xi măng hoặc bể bạt đã tồn tại tại Hải Ninh 10 năm nay. Đây là hình thức nuôi sử dụng rất nhiều nước để thay rửa hàng ngày, đặc biệt giai đoạn ếch thương phẩm đạt kích cỡ trên 100gram/con, người nuôi phải thay nước 2 lần/ngày trước mỗi bữa ếch ăn. Nước thay rửa và hóa chất để sát khuẩn nguồn nước cấp được người dân thải thẳng ra ngoài sông ngòi, tích tụ nhiều năm làm môi trường ô nhiễm. Ngoài ra, do thói quen sử dụng thường xuyên thuốc kháng sinh để phòng trị bệnh cho ếch làm sản phẩm ếch bán ra ngoài thị trường không được đánh giá cao.

Từ những hạn chế như trên, năm 2017, ông Nguyễn Văn Thanh, xóm 12, xã Hải Ninh đã lần đầu tiên áp dụng hình thức nuôi ếch Thái Lan trong lồng lưới theo hướng an toàn sinh học. Ông cho biết: Cứ 1 vạn ếch giống nuôi với mật độ 100 con/m2, sau 3 tháng nuôi ông thu được 2,6 tấn ếch thịt bán với giá trung bình 48.000 đồng/kg, ông thu về 124,8 triệu đồng. Trong khi chi phí lớn nhất là tiền thức ăn công nghiệp cho 1 vạn ếch khoảng 50 triệu đồng, tiền thuốc phòng trị bệnh cho ếch chỉ khoảng 1-2 triệu đồng, như vậy sau khi trừ chi phí, ông thu về cả công và lãi hơn 70 triệu đồng/vạn ếch.

Trong khi nuôi theo phương thức công nghiệp trong bể xi măng, ông chỉ thu được 2,2-2,4 tấn ếch thịt/1vạn ếch giống, trong khi chi phí thức ăn công nghiệp và thuốc phòng trị bệnh tốn khoảng 70 triệu đồng/vạn ếch.

Chia sẻ thêm về hình thức nuôi mới này, ông Thanh cho biết: Ông sử dụng tỏi tươi xay cho ếch ăn, dùng một số loại thảo dược như hạt cau để phòng trị giun sán, nhọ nhồi, lá xoan để phòng bệnh đỏ chân… giúp ếch ít bị bệnh, nhanh lớn. Ngoài ra, ông không tốn tiền điện bơm thay nước mà còn thu thêm được vài tạ cá nhờ tận dụng thức ăn thừa và phân ếch thải ra.

Từ thành công của mô hình nuôi ếch Thái Lan trong lồng lưới theo hướng an toàn sinh học của gia đình ông Thanh, đến năm 2018 trên toàn xã Hải Ninh đã có thêm 2 hộ áp dụng hình thức nuôi ếch này, đặc biệt có hộ gia đình anh Tấn tại xóm 7 đã thu về 2,7 tấn ếch thịt/vạn ếch giống.      

Theo ông Cao Văn Viễn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi ếch Hải Ninh cho biết: Hình thức nuôi ếch trong lồng lưới theo hướng an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao và sẽ là hướng đi mới cho người dân xã Hải Ninh trong những năm tới. Tuy nhiên người nuôi còn nhiều khó khăn khi áp dụng hình thức này như: thiếu kỹ thuật nuôi, thiếu nguồn giống chất lượng cao, giá trị sản phẩm thịt ếch an toàn chưa được nhiều người biết đến… Vì vậy trong những năm tới để nhân rộng hơn nữa hình thức nuôi ếch trong lồng lưới theo hướng an toàn sinh học cần sự chung tay góp sức của các đơn vị sản xuất giống, đơn vị chuyển giao kỹ thuật, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn.

Nguyễn Thanh Thuần - TTKN Nam Định

TTKN Quốc gia

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!