Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chủ đề chính của Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản diễn ra sáng 22-11 tại TP. Hồ Chí Minh do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức.

Toàn cảnh Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản diễn ra sáng 22-11 tại TP. Hồ Chí Minh

Tại Đối thoại, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải phát huy lợi thế của ngành nuôi thủy sản Việt Nam thông qua việc minh bạch hóa đầu vào sản xuất và tăng cường việc thực thi các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, kiện toàn liên kết sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và tối ưu hóa chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu để đảm bảo sản phẩm nuôi của Việt Nam có thể khẳng định lợi thế trên thị trường toàn cầu.

Với con tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng, hiện nay tôm Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các quốc gia sản xuất lớn trên thế giới như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan… Bên cạnh đó, giá tôm cũng đang có xu hướng giảm vì sản lượng tôm tại nhiều nước tăng, trong khi nhu cầu tăng không nhiều, lượng tôm tồn kho tại Mỹ lớn… Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lớn và tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… kiểm soát rất gắt gạo về vấn đề dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm. Đồng thời cũng rất chú trọng đến màu sắc tôm. Đây là hạn chế của sản phẩm tôm nuôi Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh so với tôm từ các quốc gia khác.

Còn đối với cá tra, bà Trương Thị Lệ Khánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn nhấn mạnh, cần phải có những giải pháp về cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng, nhưng lại giảm được chi phí sản xuất.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản phát biểu tại buổi Đối thoại

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định: Thách thức lớn của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam thời gian tới là phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường khác, đối mặt với rào cản kỹ thuật với việc tự do hóa thương mại khi tham gia các hiệp định quốc tế. Chính vì thế, việc các chủ thể trong ngành, bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu và đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc luôn đóng vai trò quyết định chuỗi giá trị. Đồng thời, việc ứng dụng khoa học công nghệ phải được thúc đẩy một cách hợp lý để nâng cao hiệu quả sản xuất cả về mặt môi trường và xã hội.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!