Nâng cao hiệu quả nuôi cá vùng lòng hồ

Chưa có đánh giá về bài viết

Tận dụng lợi thế về tiềm năng mặt nước, nhất là lòng hồ sông Đà, những năm qua, phong trào nuôi thủy sản lồng bè tại tỉnh Hòa Bình phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.


Hòa bình phát triển mô hình nuôi cá lồng

Khá giả nhờ cá

Để khai thác tốt tiềm năng mặt hồ, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, hỗ trợ người dân sản xuất, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ khuyến khích, phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ Hòa Bình giai đoạn 2015 -2020, hỗ trợ đầu tư kinh phí giúp các hộ nuôi cá ở các xã: Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân (huyện Mai Châu) phát triển mô hình nuôi cá lồng.

Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Mai Châu cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2016 huyện đã hỗ trợ một số hộ dân 25 triệu/lồng, để mua các vật liệu làm lồng nuôi cá; giai đoạn 2017 – 2018 hỗ trợ 12,5 triệu đồng cho các hộ nuôi cá. Ông Đinh Văn Tường Lù, xóm Đá Đỏ, xã Tân Dân cho biết, gia đình đã đầu tư 6 lồng cá với các loại chính là chiên, chép, trắm cỏ; đàn cá phát triển rất tốt, không xuất hiện dịch bệnh, cá thương phẩm được thương lái thu mua với giá cao. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Lù lãi hơn 150 triệu đồng, kinh tế gia đình ngày một phát triển.

Ông Bùi Văn Hồng (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc) cho biết, tận dụng lợi thế mặt nước, gia đình ông đầu tư 5 lồng nuôi cá chiên, lăng, trắm. Hiện, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, nhất là với cá chiên có giá trị kinh tế cao. Năm 2018, gia đình ông thu được hơn 100 triệu đồng từ nuôi cá lồng; tính giá trị kinh tế thì nuôi cá gấp 5 – 6 lần trồng ngô, sắn.

Phát triển bền vững

Nếu trước đây, quy mô lồng bè của người dân tại Hòa Bình còn hạn chế, chủ yếu được làm bằng vật liệu tre, nứa và diện tích nhỏ và do chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất nên dịch bệnh xuất hiện liên tục ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi được cải tiến về chất lượng vật liệu làm lồng cũng như kỹ thuật nuôi thì hiệu quả nuôi thủy sản của người dân được cải thiện đáng kể. Thiết kế lồng nuôi bằng khung sắt, phao phuy, lưới dù có độ bền và tuổi thọ cao, kết cấu lồng, sự tiện lợi cho quá trình thao tác tới kỹ thuật chăm sóc, chọn giống… giúp cá nuôi lớn nhanh, sạch bệnh.

Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân vùng hồ có kiến thức kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá, những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã dành kinh phí để các đơn vị chức năng tổ chức 45 lớp dạy nghề nuôi cá lồng cho 1.500 lượt lao động, hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 2.000 lượt nông dân. Phát triển nuôi cá lòng hồ đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động địa phương.

Tỉnh Hòa Bình cũng tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển NTTS, tạo thành vùng sản phẩm hàng hóa lớn. Đến nay, có 7 doanh nghiệp đã ký kết liên doanh với các hộ nuôi cá lồng hợp quy chuẩn, theo hướng VietGAP đảm bảo ATTP, mỗi năm cung cấp trên 2 nghìn tấn cá thương phẩm ra thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với hộ dân nên sản lượng cá nuôi luôn có đầu ra ổn định; tiêu biểu như Công ty TNHH Hưng Nguyên tại xã Tiền Phong nuôi khoảng 180 lồng; Tập đoàn Mavin thực hiện dự án quy mô lớn, trên diện tích khoảng 100 ha mặt hồ tại xã Hiền Lương, nguồn cá hướng tới xuất khẩu ra thị trường châu Âu.

Cùng đó là sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Trong vùng hồ thủy điện Hòa Bình đang có 41 cơ sở, mỗi cơ sở nuôi trên 20 lồng; 2 cơ sở, mỗi cơ sở nuôi trên 100 lồng. Có 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá sông Đà được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, tương ứng khoảng 500 lồng nuôi.

>> Hiện, trên vùng hồ Hòa Bình có 4.250 lồng nuôi cá, vượt 21,43% so với mục tiêu đến năm 2020. Phát triển và đóng mới lồng cải tiến có khung sắt, phao nổi vững chắc đã giúp thay thế hơn 1.000 lồng tạm, lồng làm bằng bương, tre, luồng.

Hải Lý

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!