Nâng cao tính bền vững mô hình tôm – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây cũng là chủ đề tại Diễn đàn Khuyến nông @ do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Bạc Liêu tổ chức ngày 22/7 tại Bạc Liêu. Với gần 300 đại biểu là nông dân 7 tỉnh, thành sản xuất tôm – lúa vùng ĐBSCL tham dự.

chương trình phối hợp trung tâm khuyến nông quốc gia

Khơi dậy tiềm năng

ĐBSCL là vùng trọng điểm nuôi tôm của cả nước; năm 2015, toàn vùng có 621.000 ha (chiếm 91,2% diện tích thả tôm cả nước), sản lượng 484.000 tấn (chiếm 81% sản lượng tôm cả nước). Cùng với đó, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho phát triển hình thức canh tác tôm – lúa qua sự gia tăng về diện tích từ 71.000 ha (năm 2000) lên 152.977 ha (năm 2014), chiếm 27,98% diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng.

Mô hình canh tác tôm – lúa đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, từng bước cải thiện mức sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người dân. Thời gian tới, tìm ra giải pháp để phát triển bền vững mô hình canh tác tôm – lúa là việc làm rất cần thiết.

mô hình tôm - lúa

Mô hình tôm – lúa được nhiều địa phương ở ĐBSCL áp dụng – Ảnh: PTC

Ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, giai đoạn 2011 – 2013 Bộ NN&PTNT đã phê duyệt dự án khuyến ngư “Phát triển nuôi tôm lúa” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng triển khai thực hiện; Giai đoạn 2016 – 2018 Bộ cũng đã phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” và dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú – lúa”.

Hiện nay, trước tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và cũng để cải thiện hiệu quả, người dân đã quan tâm hơn đến khâu kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Theo ông Nguyễn Công Thành, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, trình độ canh tác của người dân khi thực hiện mô hình tôm – lúa đã được cải thiện. Đối với nuôi tôm, người dân đã chú trọng đầu tư thức ăn công nghiệp, lựa chọn giống tôm để thả nuôi và cải tạo cho vụ sản xuất. Nhờ vậy, năng suất tôm nuôi gia tăng nhanh và hiệu quả sản xuất cũng được cải thiện rất đáng ghi nhận: giai đoạn 1999 – 2000 lợi nhuận trung bình từ nuôi tôm là 7,65 triệu đồng/ha thì đến giai đoạn 2013 – 2014 đã tăng lên 85 triệu đồng/ha. Cùng đó, hiệu quả trồng lúa trên đất tôm cũng rất ấn tượng, từ 3,16 triệu đồng/ha (1999 – 2000) lên 16,75 triệu đồng/ha (2013 – 2014). 

Tuy nhiên, hình thức canh tác tôm – lúa ở ĐBSCL thời qua đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn, cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa hoàn thiện… gây khó khăn cho sản xuất và kiểm soát dịch bệnh; sản xuất tôm – lúa phần lớn ở quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật chưa đảm bảo, năng suất chưa ổn định; nguồn giống phục vụ nhu cầu sản xuất chưa chủ động, chưa đảm bảo chất lượng; quản lý các yếu tố đầu vào còn lỏng lẻo; khả năng tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân còn hạn chế, dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên cả con tôm và cây lúa, thiếu vốn sản xuất… nên hiệu quả đem lại chưa cao. Từ đó, chưa phát huy được hết tiềm năng và thế mạnh của vùng.

 

Nâng cao tính bền vững

Ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bạc Liêu kiến nghị, các cơ quan Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp để giúp phát triển hiệu quả, bền vững mô hình thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay; quan tâm đầu tư giúp địa phương xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất tôm – lúa.

Thời gian tới, một trong những giải pháp nhằm nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác tôm – lúa là nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh; chọn tạo các giống lúa có khả năng chịu mặn cao hơn 5‰, có thời gian sinh trưởng ngắn; đào tạo, tập huấn, cung cấp tài liệu kỹ thuật, xây dựng mô hình ương nuôi tôm giống cho người dân để nhân rộng, phát huy hiệu quả trước khi thả nuôi. Cùng đó, điều chỉnh, bổ sung một số chính sách liên quan đến hỗ trợ nông dân vùng tôm – lúa khi sản xuất bị thiệt hại do thiên tai; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; tăng cường đầu tư hạ tầng cấp – thoát nước, hệ thống quan trắc môi trường đảm bảo quản lý chất lượng nước phù cho con tôm, cây lúa.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh: Thời gian tới cần định hướng sản xuất tôm – lúa theo hướng nông sản sạch, an toàn, đạt chất lượng và chứng nhận tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP), xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ cho hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam.

>> Ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhấn mạnh, để phát triển bền vững mô hình tôm – lúa, đề nghị các bộ, ngành liên quan, chính quyền các cấp tiếp tục tạo mọi điều kiện giúp phát triển nuôi tôm ở những vùng bị xâm nhập mặn, vùng chuyên canh lúa kém hiệu quả; phát triển công nghệ, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả nuôi tôm, trồng lúa.

Kim Yến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!