Nắng nóng kéo dài, cá tôm ngấp ngoải

Chưa có đánh giá về bài viết

Đợt nắng nóng đầu mùa vừa qua với nền nhiệt ở mức cao, kéo dài nhiều ngày đã khiến không ít diện tích nuôi trồng thủy sản tại các địa phương gặp khó khăn, cá tôm thi nhau “đổ bệnh”.


Nắng nóng kéo dài khiến nhiều hộ tôm thiệt hại hoàn toàn 

Khánh Hòa

Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay chỉ mới khoảng 60% trong tổng số 1.950 ha NTTS của thị xã đã được xuống giống, chủ yếu là tôm nước lợ và ốc hương… Việc nông dân thận trọng khi thả nuôi là phù hợp, bởi nếu mạo hiểm thả nuôi trong thời tiết này thì rất dễ thua lỗ do thủy sản nuôi dễ chết yểu. Còn tại huyện Vạn Ninh, năm nay, địa phương có 850 ha ao đìa, người dân sẽ tập trung nuôi ốc hương và các loại tôm nước lợ, riêng diện tích nuôi tôm hơn 300 ha. Từ giữa tháng 2, nông dân đã bắt đầu cải tạo ao đìa, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên nhiều người vẫn chưa dám thả nuôi; diện tích nuôi tôm chỉ mới đạt hơn 50%, diện tích nuôi ốc khoảng 80%. Nắng nóng kéo dài khiến tôm giống và các loại thủy sản nuôi dễ bị sốc thời tiết, dễ bị nhiễm bệnh. Nắng nóng cũng khiến độ mặn tăng cao, vật nuôi chậm phát triển.

Trà Vinh

Thống kê của ngành nông nghiệp Trà Vinh cho thấy, từ đầu vụ nuôi 2019 đến nay, toàn tỉnh đã thiệt hại hơn 372 triệu con tôm giống; trong đó, hơn 107 triệu con tôm sú giống trên diện tích 158 ha và hơn 265 triệu con tôm giống thẻ chân trắng trên diện tích 440 ha; tôm bị thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy. Trong các địa phương bị thiệt hại thì huyện Cầu Ngang nặng nề nhất, đã có hơn 800 hộ nuôi tôm sú bị thiệt hại gần 70 triệu con giống trên diện tích 287 ha, chiếm 29% diện tích thả nuôi; 938 hộ nuôi TTCT bị thiệt hại gần 180 triệu con giống trên diện tích 316 ha, chiếm gần 22% diện tích thả nuôi. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng chỉ ra là do thời tiết nắng nóng kéo dài làm nhiệt độ nước tăng cao, ảnh hưởng môi trường nuôi tôm. Ngành nông nghiệp đã cấp phát Chlorine cho các hộ nuôi vùng trọng điểm bị thiệt hại để xử lý ao nuôi, khống chế dịch bệnh trên tôm, không để lây lan trên diện rộng.    

Bạc Liêu

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối tháng 3, diện tích tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 2.028 ha, tăng gần 900 ha so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, trên 70% diện tích tôm bị thiệt hại do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao làm tôm bị sốc; vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp, một số ít bị bệnh đốm trắng, đỏ thân, phân trắng… Bên cạnh đó, nắng nóng làm tôm hoạt động nhiều, mất nhiều năng lượng và tiêu thụ thức ăn nhiều hơn bình thường. Ông Bùi Thanh Phương, một hộ dân nuôi tôm ở huyện Đông Hải than thở: “Ao nuôi tôm của tôi mới thả được khoảng 45 ngày tuổi đã bị bệnh, cứu không được. Nắng nóng kéo dài dẫn đến độ mặn lên cao làm con tôm chậm lớn, mắc một số bệnh, như: phân trắng, bệnh hoại tử gan, tụy cấp… Đây là những bệnh rất khó trị khi tôm mắc phải, nhất là TTCT. Thời tiết cứ như vậy thì nông dân thua lỗ nặng…”.

Kiên Giang

Những ngày qua do diễn biến bất lợi của thời tiết nắng nóng kéo dài làm diện tích tôm nuôi của bà con huyện An Minh bị thiệt hại đáng kể và đang có chiều hướng gia tăng. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có trên 1.500 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong số diện tích tôm chết có 50 ha bị các bệnh gan tụy cấp, đốm trắng; còn lại trên 90% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do là do yếu tố môi trường.  Xã Đông Thạnh, huyện An Minh là một trong những địa phương có diện tích tôm chết nhiều nhất. Năm 2019, toàn xã thả nuôi tôm trong vùng tôm lúa được 4.800 ha đến nay đã phát hiện được 144 ha của 116 hộ bị thiệt hại trong đó nhiều hộ tôm thiệt hại hoàn toàn không thu hoạch được, nên gặp nhiều khó khăn trong tái đầu tư thải nuôi lại. Theo một số nông dân nuôi tôm lâu năm có kinh nghiệm cho biết, thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân chính làm tôm chết hàng loạt.

Còn tại huyện An Biên, thời tiết nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sâu nội đồng đã ảnh hưởng vụ tôm nước lợ 2019 của bà con nuôi tôm. Tại một số xã ven biển của huyện như Nam Thái, Nam Thái A, Nam Yên, Tây Yên, độ mặn cao từ 30 – 35‰; ngoài ra, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, môi trường nước thay đổi đột ngột ảnh hưởng sự phát triển của tôm nuôi. Toàn huyện có 52,38 ha tôm nuôi bị dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp; Phòng NN&PTNT đã hỗ trợ người dân trên 4 tấn Chlorine để dập dịch. Một số diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do yếu tố môi trường chênh lệch, tôm thiếu ôxy; tuy nhiên, phần lớn diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở giai đoạn từ 60 ngày, nông dân vẫn có thể thu hoạch bán thu hồi vốn.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, trong điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường, trước khi thả tôm 5 – 10 ngày, các hộ nuôi thủy sản cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu thời tiết không thuận lợi thì nên tạm dừng thả giống hoặc lấy ý kiến tư vấn của cơ quan quản lý NTTS tại địa phương; người nuôi nên ương dưỡng con giống qua 2 – 3 giai đoạn và sử dụng con giống cỡ lớn để thả nuôi thương phẩm.

Box: Do nắng nóng, hạn hán kéo dài tại địa bàn huyện Sa Pa (Lào Cai) thời gian qua khiến nhiều ao, bể nuôi cá hồi xuất hiện tình trạng cá chết, nhất là cá loại nhỏ và cá bắt đầu đến kỳ thu hoạch, tập trung ở xã Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Tả Phìn, San Sả Hồ…

Vân Anh (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!