T2, 06/07/2020 12:53

Neovia Việt Nam: Ra mắt Dự án nuôi tôm siêu thâm canh kết hợp công nghệ cao – Biosipec

Chưa có đánh giá về bài viết

Vừa qua, Neovia Việt Nam đã tổ chức Lễ giới thiệu Dự án Biosipec tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển thủy sản (Ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Tới dự có ông Trần Công Khôi, Phó Vụ Trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản); ông Hubert de Roquefeuil CEO của Tập đoàn Neovia cùng các khách hàng và đối tác chiến lược của Công ty.

Đại biểu cắt băng khánh thành Dự án Biosipec

Đại biểu cắt băng khánh thành Dự án Biosipec

Sau quá trình tìm hiểu về đặc tính nuôi tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam; ông Raynaud Thomas, Giám đốc Kỹ thuật thủy sản của Neovia Việt Nam đã nghiên cứu thành công kỹ thuật nuôi tôm với kết quả ngoài sức mong đợi. Biosipec là một công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong môi trường an toàn sinh học; nền tảng để phát triển các công nghệ đi kèm, bao gồm công nghệ siêu thâm canh, quản lý thức ăn, dinh dưỡng, các giải pháp an toàn sinh học, công nghệ xử lý nước, sục khí; đồng thời áp dụng cả công nghệ kỹ thuật số trong quản lý ao nuôi. Để phát triển Dự án này, Neovia kết hợp rất nhiều đơn vị trong Tập đoàn bao gồm: Bernaqua (thức ăn cho tôm giống và nuôi ương); Ocialis (thức ăn cho tôm thẻ giai đoạn nuôi thương phẩm); Qalian (các sản phẩm về vệ sinh và sức khỏe vật nuôi); Wisium (chất premix) và Upscience (phân tích các rủi ro bệnh dịch, nguồn nước và thức ăn)…

Biosipec gồm 3 giai đoạn nuôi: 2 giai đoạn ương và 1 giai đoạn nuôi thương phẩm. Theo đó, hệ thống Biosipec được thiết kế tới 3 ao, gồm 1 ao ương giai đoạn 1, 1 ao ương giai đoạn 2 và 1 ao nuôi thương phẩm. Ngoài ra, còn có 1 ao chứa và 1 hệ thống xử lý nước. Các ao ương giai đoạn 1 và 2 được đặt trong nhà màng, trong đó, ao ương giai đoạn 1 là bể xi măng, ao ương giai đoạn 2 là dạng ao đất. Còn ao nuôi thương phẩm là ao ngoài trời. Khi tôm giống mới đưa từ trại giống về, sẽ được thả vào ao ương giai đoạn 1. Do ở giai đoạn này, tôm rất nhạy cảm với môi trường, nên nước trong ao được xử lý tiệt trùng toàn bộ, không còn mầm bệnh. Nhờ đó, dù thả với mật độ tôm giống cao 5.000 – 12.000 con/m2, sau khi kết thúc ương giai đoạn 1 (4 tuần ương), tỷ lệ tôm sống vẫn rất cao tới trên 80%, cỡ tôm 250 – 500 mg/con.

Kết thúc ương giai đoạn 1, tôm sẽ theo dòng chảy tự nhiên sang ao ương giai đoạn 2. Với cách di chuyển này, tôm sẽ không bị stress, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh. Ở giai đoạn này, mật độ tôm giống 300 – 500 con/m2, thời gian nuôi 6 tuần. Kết thúc giai đoạn  này, tôm đạt kích cỡ 5 – 6 g/con, tỷ lệ sống trên 80%. Với việc ương 2 giai đoạn như trên, khi được đưa tới ao nuôi thương phẩm, tôm đã đạt kích cỡ của tôm giống lớn, sức đề kháng tốt nhất, tỷ lệ sống cao nhất. Tạo ao nuôi thương phẩm, tôm được nuôi với mật độ 180 – 250 con/m2, thời gian 6 tuần, khi thu hoạch đạt 12 – 16 g/con, tỷ lệ sống 85%. Đặc biệt trong giai đoạn nuôi thương phẩm, Biosipec áp dụng hệ thống cho ăn tự động với cảm biến âm thanh giúp cung cấp thức ăn theo nhu cầu thực tế của tôm dưới ao nuôi.

Qua 3 giai đoạn ương và nuôi trên, cùng việc áp dụng các công nghệ cao, Biosipec giúp tôm nuôi đạt tỷ lệ sống chung cho cả quá trình sản xuất ở mức cao là trên 80%, trong khi nuôi thông thường tỷ lệ sống bình quân chỉ 30 – 50%. Đó là hiệu quả kinh tế, còn đối với môi trường, hệ thống Biosipec giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng trong quá trình nuôi tôm, vì không cần thay nước trong cả 2 giai đoạn ương và giai đoạn nuôi thương phẩm; giảm chi phí năng lượng nhờ hệ thống sục khí đặc biệt…

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, Dự án Biosipec  rất phù hợp với định hướng phát triển của thủy sản Việt Nam và tin tưởng rằng Dự án sẽ thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới.

Bảo Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!